Ứng dụng IoT vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp thông minh

Cập nhật ngày: 31/12/2018 15:27:41

ĐTO - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống, làm việc và sản xuất với sự ra đời của một loạt công nghệ mới trên các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, robot,… và đặc biệt là Internet vạn vật (IoT). Đối với việc áp dụng IoT vào sản xuất nông nghiệp sẽ mở ra trang mới cho lĩnh vực này.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa trái) thăm mô hình canh tác lúa lý tưởng. 
Ảnh Mỹ Nhân

Lực đẩy từ IoT trong sản xuất nông nghiệp

IoT là mạng lưới thiết bị kết nối Internet. Nhờ các cảm biến mà hệ thống ứng dụng IoT tự phân tích, đưa ra quyết định theo những lập trình được cài đặt. Qua đó, giúp người sử dụng cũng có thể quản lý và điều khiển vận hành hệ thống theo mong muốn thông qua các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính có kết nối Internet.

Theo các chuyên gia công nghệ, việc áp dụng IoT vào sản xuất nông nghiệp được xem là một nền tảng để hình thành nền nông nghiệp thông minh. Trước sự ưu việt của IoT mang lại, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả bất ngờ về năng suất, sản phẩm đạt chất lượng và hạ giá thành sản xuất. Tại Việt Nam, một số mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp mang lại hiệu quả, nổi bật như mô hình trồng nông sản trong nhà kính ở Lâm Đồng, nông trường thông minh tại Quảng Nam, nuôi bò công nghệ 5 sao tại Thanh Hóa...

Điểm nhấn đối với của các mô hình ứng dụng IoT là thông qua các cảm biến sẽ thu thập các chỉ số của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, độ pH...) một cách liên tục và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng đảm bảo phù hợp cho cây trồng. Hay việc sử dụng chip điện tử đọc tín hiệu từ các cảm biến đo chỉ số sinh hóa trên cơ thể vật nuôi nhằm theo dõi quá trình sinh trưởng, tình trạng sức khỏe của vật nuôi.

Nhờ ứng dụng các giải pháp IoT giúp cho cây trồng, vật nuôi của nhiều nhà vườn, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp... phát triển, sinh trưởng tốt, đạt năng suất, chất lượng cao. Đồng thời giúp người nông dân giảm áp lực về chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức.

Là địa phương có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, để lĩnh vực này phát triển theo chiều sâu, Đồng Tháp mạnh dạn áp dụng IoT áp dụng vào sản xuất lúa với mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười. Đây là mô hình áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như sử dụng máy cấy lúa hiện đại, phân bón thông minh và đặc biệt là giải pháp IoT theo dõi, xử lý phù hợp mức nước trên đồng ruộng... So với kiểu canh tác truyền thống, mô hình mang lại kết quả ấn tượng khi lượng phân bón giảm đáng kể (chỉ bón duy nhất 1 lần/1 vụ), giảm nhân công trong khi năng suất và lợi nhuận đạt cao, bà con nông dân tham gia mô hình rất phấn khởi.

Ông Ngô Phước Dũng – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 chia sẻ: “Nhờ các cảm biến theo dõi mực nước mà việc xử lý nước trên đồng ruộng trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh nông dân có thể quản lý điều khiển nguồn nước từ xa, giữ mực nước phù hợp trong mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây lúa”.

Sau chuyến tham quan trực tiếp “Mô hình canh tác lúa lý tưởng”, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao tính ưu việt của mô hình. Bên cạnh đó, Bộ trưởng mong muốn nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương trong tỉnh và cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận thấy tiềm năng nông nghiệp của tỉnh nhà, Công ty Ecofarm Đồng Tháp đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thanh Bình với diện tích ban đầu trên 10ha. Hiện các khu nhà màng chuyên sản xuất dưa lê, dưa lưới và các giống cây con sạch bệnh sử dụng công nghệ cao của Israel để cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đánh giá cao mô hình canh tác lúa lý tưởng.
Ảnh: Mỹ Nhân

Giải pháp tiếp cận với IoT

Thời gian qua, các mô hình nông nghiệp ứng dụng IoT mang lại nhiều kết quả tích cực cho người nông dân như: gia tăng năng suất, chất lượng nông sản được nâng cao, tiết kiệm chi phí chủ động trong sản xuất... Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn.

Để ứng dụng IoT vào lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả cao cần có quy mô sản xuất lớn nhằm tránh lãng phí nguồn lực tài nguyên về công nghệ vì chi phí đầu tư cao. Trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ. Có đến 70% hộ sản xuất với diện tích dưới 0,5ha. Mặt khác, nông dân quá chú trọng vào sản lượng, quen với cách sản xuất cũ, sử dụng nguồn nước tưới, bón phân, phun thuốc không đúng liều lượng, làm gia tăng chi phí canh tác nhưng năng suất, chất lượng nông sản vẫn thấp.

Bên cạnh đó, ngoài khó khăn về chi phí đầu tư IoT vào sản xuất thì người nông dân cũng cần phải sáng suốt chọn lựa những sản phẩm phù hợp với điều kiện, sản phẩm canh tác để mang lại hiệu quả tốt nhất. Bởi hiện nay, chỉ tính riêng hệ thống tưới nước tự động phục vụ trong trồng trọt thì trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp.


Ứng dụng IoT phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp

Trước những rào cản đó, để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường, nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún - sang sản xuất hàng hóa lớn. Chuyển từ kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng IoT để đảm bảo chính xác quy trình sản xuất sạch, an toàn.

Hướng đến sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, một số nông dân của Đồng Tháp tham gia vào các hợp tác xã, hội quán để liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, từng bước hình thành được chuỗi giá trị sản xuất. Đây còn là tiền đề cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác thuận lợi.

Đồng thời trong quá trình triển khai giải pháp IoT, người nông dân cần thường xuyên cập nhật kiến thức và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó có những sáng kiến cải tiến ứng dụng, cách làm sáng tạo nhằm mang lại kết quả tối ưu. Đơn cử như đối với việc lựa chọn, đầu tư một hệ thống tưới chính xác tự động (giải pháp IoT) mang lại hiệu quả tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: quy mô sản xuất; đặc điểm yêu cầu tưới nước của mỗi loại cây; điều kiện nguồn nước; kỹ thuật vận hành hệ thống; chi phí đầu tư và khả năng lợi nhuận thu được... để có sự lựa chọn giải pháp IoT phù hợp.

Trên con đường chinh phục, ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, người nông ông dân cần tận dụng sức mạnh tập thể đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp. Ngoài ra, với sự tương trợ của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, những kỹ sư, nông dân Đất Sen hồng giàu sáng tạo, cải tiến sẽ là lực đẩy để hình thành nền nông nghiệp thông minh.

Nguyễn Hồng Ly (Liên hiệp các Hội KH&KT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn