Ứng dụng thương mại điện tử trước tình hình dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 19/03/2020 06:07:14

ĐTO - Trước tình hình dịch Covid-19, người tiêu dùng đang có xu hướng hạn chế đến những khu mua sắm đông người, điều này cũng ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN). Để giải quyết khó khăn, tạo điều kiện kích cầu mua sắm, hiện nay nhiều siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuyển hướng kinh doanh tập trung sang mô hình thương mại điện tử. Giải pháp này được xem là mở ra cơ hội kinh doanh, mua sắm hiệu quả, an toàn hơn cho DN và người tiêu dùng.


Với chương trình “Đi chợ hộ” của Vinmart, khách hàng có thể gọi điện đặt mua hàng, không cần đến siêu thị mua sắm như trước đây. 
Ảnh Mỹ Lý

Siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng tốc bán online

Nhằm giúp người tiêu dùng thuận lợi mua sắm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, siêu thị Vinmart TP.Cao Lãnh triển khai trương trình “Đi chợ hộ”. Với chương trình này, khách hàng có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng của siêu thị đặt mua hàng, hàng hóa sẽ được nhân viên siêu thị giao tận nơi, người tiêu dùng chỉ thanh toán sau khi nhận hàng.

Đại diện siêu thị Vinmart TP.Cao Lãnh thông tin, trước đây trung bình mỗi tuần chỉ có một vài khách hàng sử dụng dịch vụ này nhưng hiện nay do hưởng ứng thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này tăng từ 25 - 30%. Dù mua sắm trực tuyến, song khách hàng vẫn được áp dụng các chương trình ưu đãi và khuyến mãi như khi mua sắm trực tiếp tại siêu thị.

Tương tự Vinmart TP.Cao Lãnh, nhằm tạo điều kiện để khách hàng tránh tụ tập nơi đông người khi mua sắm như khuyến cáo của các ngành chức năng, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng mua sắm trực tuyến. Theo đó, người tiêu dùng có thể gọi điện thoại đặt hàng tại các điểm Bách hóa Xanh gần nhất và sẽ được giao nhận hàng, thanh toán ngay tại nhà.

Là một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu trên toàn quốc, các hệ thống Saigon Co.op tại Đồng Tháp cũng đang tăng tốc triển khai hình thức bán hàng qua điện thoại, website, phần mềm Zalo... Cụ thể, các hệ thống siêu thị Co.opmart đẩy mạnh dịch vụ giao nhận thực phẩm công nghệ thiết yếu, hóa phẩm qua phiếu đặt hàng. Phiếu đặt hàng có sẵn danh mục 3 nhóm hàng thực phẩm công nghệ thiết yếu, hóa phẩm sẽ được gửi đến tận nhà cho khách hàng lựa chọn theo nhu cầu. Khi có nhu cầu mua sắm, khách chỉ cần chọn lựa theo danh mục niêm yết và liên hệ với siêu thị qua việc gọi trực tiếp hoặc nhắn tin từ phần mềm Zalo... theo số điện thoại trên phiếu, hàng hóa sẽ được giao theo địa chỉ khách yêu cầu.

Theo bà Phạm Thị Tuyết Mai - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh, hình thức kinh doanh dịch vụ qua điện thoại, mạng điện tử của Co.opmart nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng giảm tần suất đến những nơi đông người trong tình hình dịch Covid - 19. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền quảng bá rộng rãi về loại hình kinh doanh tiện ích này để người tiêu dùng quan tâm, ủng hộ.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất linh hoạt ứng dụng thương mại điện tử

Không chỉ riêng các nhà bán lẻ thay đổi phương thức kinh doanh mà hiện các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng linh hoạt chuyển từ kinh doanh truyền thống sang các kênh thương mại điện tử. Chia sẻ về hình thức kinh doanh này, anh Nguyễn Tiến Phương - chủ Cơ sở cá khô Tiến Phương, huyện Hồng Ngự cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên doanh thu của cơ sở trong tháng qua giảm gần 50%. Hiện tại, các kênh phân phối truyền thống của cơ sở như chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống đại lý đều giảm doanh số nhiều. Trước thực trạng này, thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng tăng trưởng tốt có thể xem như là “cứu cánh” cho cơ sở chúng tôi. Hiện mức tăng trưởng từ kênh online chiếm trên 30% tổng doanh số của Cơ sở khô Tiến Phương”.

Mặc dù triển khai kinh doanh trực tuyến từ khi mới thành lập, song trước tình hình dịch bệnh Covid - 19, chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH tinh dầu Hương Đồng Tháp quyết định đẩy mạnh kênh bán hàng trên mạng nhằm tăng doanh thu. Thời gian này, nhiều mẫu sản phẩm hương tinh dầu đặc trưng mới liên tục được cập nhật giới thiệu trên trang Fanpage của công ty. Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy cho biết: “Bên cạnh các hệ thống cửa hàng, đơn vị chúng tôi đang tranh thủ tận dụng các trang mạng điện tử để kinh doanh trực tuyến. Đây cũng là giải pháp vừa kinh doanh, vừa giới thiệu quảng bá sản phẩm hiệu quả. Nhờ chăm chỉ tiếp cận, tương tác với khách hàng trên mạng và áp dụng các chính sách thanh toán linh hoạt, chuyển hàng nhanh chóng nên lượng khách mua hàng trực tuyến khá ổn so với cùng kỳ năm trước. Mỗi tuần, đơn vị nhận hơn 300 đơn đặt hàng sản phẩm thông qua trang mạng điện tử từ đối tác.

Tại Cơ sở sản xuất và kinh doanh Gạo an toàn Đồng An (TP.Cao Lãnh), đơn vị cũng đang chọn cách kinh doanh trực tuyến để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo bà Hồ Thị Kim Gương - chủ Cơ sở sản xuất và kinh doanh Gạo an toàn Đồng An, trước đây, thương hiệu Gạo an toàn Đồng An được giới thiệu quảng bá trên các kênh thương mại điện tử như: wesite đơn vị, Zalo, Facebook... Tuy nhiên, ứng phó với tình hình dịch Covid - 19, đơn vị đã kết nối với các cá nhân, tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh để các nhà phân phối giới thiệu, kinh doanh sản phẩm qua kênh trực tuyến như: Tiki, Lazada... với sản lượng bán ra khoảng 2 tấn/tuần.

Không chỉ riêng các sản phẩm tiêu dùng, hiện mặt hàng thời trang, làm đẹp cũng được giới kinh doanh đẩy mạnh trên các trang mạng điện tử. Chị Thơ - chủ cửa hàng Thơ MV trên đường Hùng Vương, phường 2, TP.Cao Lãnh cho biết: “Tình hình dịch Covid - 19 gây nhiều khó khăn cho giới kinh doanh như chúng tôi. Các mặt hàng kinh doanh của cửa hàng chủ yếu là sản phẩm làm đẹp, quần áo thời trang... nhưng lượng khách hiện giảm 40% so với năm trước. Vì vậy, tôi tranh thủ quảng cáo trên mạng xã hội và các wesite bán hàng trực tuyến với hy vọng tình hình khả quan hơn. Cùng với tăng cường quảng cáo, chị Thơ còn áp dụng nhiều chương trình khuyến mại như miễn phí ship trong bán kính ngắn, tặng voucher khi mua hàng...”.

Chọn mua hàng qua hình thức trực tuyến trong thời điểm này, chị Huỳnh Thị Ngọc Lan ngụ huyện Lấp Vò chia sẻ: “Tôi và các thành viên trong gia đình hạn chế tụ tập nơi đông người thời điểm này theo khuyến cáo của các ngành chức năng, nếu có việc ra ngoài phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Mọi nhu cầu mua sắm của gia đình đều tranh thủ ứng dụng hình thức mua sắm trực tuyến”.

Ông Hà Bửu Khánh - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Dịch Covid - 19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của nhiều cơ sở, DN trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, để tìm cơ hội trong khó khăn, cộng đồng DN Đồng Tháp đã triển khai kinh doanh, bán hàng, giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh thương mại điện tử. Điều này giúp các đơn vị tiết kiệm được chi phí và hạn chế lây lan dịch bệnh. Thời gian tới, ngành công thương Đồng Tháp sẽ tiếp tục có những hỗ trợ về phát triển thương mại điện tử trong cộng đồng DN...”.

Mặc dù thương mại điện tử đã phát triển trong những năm gần đây, song trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì hình thức kinh doanh này đang trở thành hướng đi góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và tạo thuận lợi cho người tiêu dùng.

Khánh Phan - Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn