Đóng góp ý kiến 2 dự án luật tổ chức Viện kiểm sát và Toà án
Cập nhật ngày: 16/05/2014 08:51:29
Chiều ngày 15/5/2014, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị ý đóng góp ý kiến 2 dự luật sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII là dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (Viện KSND) và dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (TAND). Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Viện KSND, TAND cấp tỉnh và cấp huyện cùng các sở, ngành có liên quan.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến
Dự án Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến gồm có 7 chương, 107 điều; dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm có 11 chương và 80 điều.
Ông Nguyễn Hữu Đức – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị đã gợi ý một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong 2 dự án luật trên để các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến như về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức, bộ máy của Viện KSND; về vai trò của Uỷ ban kiểm sát; nhiệm kỳ, tuổi về hưu của kiểm sát viên, thẩm phán; về tổ chức TAND sơ thẩm trong hệ thống TAND; về nhiệm vụ phát triển án lệ của TAND tối cao…
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu cho rằng chỉ nên tổ chức Uỷ ban kiểm sát ở Viện KSND tối cao và Viện KSND cấp tỉnh; giữ nguyên mô hình tổ chức Viện KSND như hiện tại, không theo 4 cấp; cần có quy định phù hợp để mức lương giữa kiểm sát viên cấp huyện và cấp tỉnh không quá chênh lệch.
Nhiều ý kiến các đại biểu ngành Toà án thống nhất thành lập TAND sơ thẩm khu vực và cho rằng tổ chức mô hình này góp phần khắc phục hạn chế, bất cập về tổ chức TAND cấp huyện hiện nay và tăng cường tính độc lập của TAND sơ thẩm khu vực trong xét xử.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu cho rằng nên thành lập TAND, Viện KSND khu vực ở cấp phúc thẩm trung ương chứ không ở cấp sơ thẩm tại địa phương, có thể tăng thêm tại các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc thay vì chỉ có tại 3 khu vực như hiện nay.
Đa số các đại biểu thống nhất với quy định dự thảo luật về việc tăng tuổi nghỉ hưu của thẩm phán TAND tối cao và kiểm sát viên Viện KSND tối cao (65 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ); đối với cấp tỉnh và cấp huyện thì theo quy định của Bộ luật lao động. Về nhiệm kỳ thẩm phán, kiểm sát viên, nhiều ý kiến thống nhất quy định nhiệm kỳ đầu là 5 năm, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ được tái bổ nhiệm thì các nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm…
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp để trình tại kỳ họp Quốc hội tới.
Thanh Trúc