Nơi tin cậy của người lao động
Cập nhật ngày: 02/04/2018 16:37:31
ĐTO - Thắc mắc về các chế độ dành cho người lao động, rất nhiều công nhân, viên chức đã tìm đến Tổ tư vấn pháp luật (có nơi được đặt tên là Điểm tư vấn pháp luật) để được tư vấn miễn phí.
Thành viên Tổ tư vấn pháp luật huyện Cao Lãnh (bìa phải) tư vấn pháp luật cho người lao động
Thấy an tâm sau khi được tư vấn
Mấy hôm nay, nhân viên bảo vệ Trần Văn Phước (sinh năm 1966, ngụ khóm Mỹ Tây, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) cảm thấy lo lắng về chế độ hưởng lương hưu vì anh nghe nói việc tính mức hưởng lương hưu hiện có nhiều thay đổi. Khi biết có Tổ tư vấn pháp luật miễn phí huyện Cao Lãnh và số điện thoại của thành viên tư vấn, anh đã liên hệ và được nhân viên giải đáp thắc mắc trong ngày, qua đó giúp anh thấy an tâm khi biết chế độ lương hưu của mình. “Tôi lo vì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) ít quá, không biết có được hưởng lương hưu hay không. Nhờ cán bộ tư vấn pháp luật - cũng là người làm ở BHXH huyện nên tôi mới biết đến khi về hưu, thời gian tham gia BHXH của tôi sẽ được hơn 23 năm và được hưởng lương hưu với tỉ lệ 51%" - Anh Phước chia sẻ.
Mỗi tuần, bà Nguyễn Thị Minh Tâm - chuyên viên BHXH huyện Cao Lãnh, thành viên Tổ tư vấn pháp luật miễn phí huyện Cao Lãnh tư vấn không dưới 10 lượt cho người lao động đến trực tiếp hoặc thông qua điện thoại để được tư vấn về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, các chế độ nghỉ việc,... Bà Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết: “Tôi cũng như các thành viên khác trong Tổ tư vấn pháp luật, dù bận nhiều việc công tác chuyên môn, nhưng khi người lao động liên hệ tư vấn về những thắc mắc có liên quan đến chế độ BHXH thì luôn dành thời gian đón tiếp. Trả lời đến khi nào người lao động nắm rõ nội dung, thấy không còn thắc mắc gì nữa. Mọi người trong tổ cũng cảm thấy vui vì thông qua tư vấn đã giúp ích được người lao động".
Hiện trên địa bàn huyện Thanh Bình có 8 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 3.200 lao động. Năm 2013, khi Tổ tư vấn pháp luật huyện Thanh Bình được thành lập, riêng một thành viên của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện tiếp nhận, tư vấn và tham gia giải quyết cho 12 trường hợp công nhân lao động đến LĐLĐ huyện yêu cầu tư vấn về các chế độ chính sách có liên quan: việc làm, thưởng, BHXH,... Qua từng năm, tổ được nhiều lao động tin tưởng tìm đến để được tư vấn. Hiện nay, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, mỗi thành viên trong tổ đã tư vấn cho khoảng 8 - 15 lao động.
Để người lao động, đặc biệt là công nhân biết đến Tổ tư vấn pháp luật, LĐLĐ huyện đã thông tin danh sách gồm họ tên, cơ quan, số điện thoại của các thành viên đến tất cả công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện để công đoàn viên và người lao động nắm liên hệ khi cần thiết. Ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Bình cho biết, việc tư vấn pháp luật luôn được người lao động quan tâm, đặc biệt là công nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đồng tình ủng hộ Tổ tư vấn pháp luật cho người lao động. Còn tại huyện Tam Nông, ngoài việc tư vấn trực tiếp (tại cơ quan), tư vấn qua điện thoại, Tổ tư vấn pháp luật của huyện còn tư vấn lưu động định kỳ hằng quý tại doanh nghiệp hoặc các tổ nhân dân tự quản - nơi có nhiều công nhân tạm trú.
Theo Công đoàn các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Đồng Tháp, trước đây, vấn đề xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công là do quyền lợi của công nhân lao động chưa được đảm bảo hài hòa, nhận thức còn thấp, việc am hiểu về pháp luật lao động còn hạn chế. Trước tình hình này, Công đoàn các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Đồng Tháp tập trung cho công tác tuyên truyền, đặc biệt là tư vấn pháp luật và phối hợp với Công đoàn cơ sở, Giám đốc doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc để giúp công nhân lao động hiểu rõ thêm về pháp luật lao động, qua đó bảo đảm được quyền lợi chính đáng cho công nhân, tạo nên mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Sự phát triển nhanh về số lượng lao động mới, công nhân chưa được đào tạo bài bản, thiếu tác phong công nghiệp, ít có thời gian để tìm hiểu nhiều về pháp luật, từ đó nảy sinh những tranh chấp lao động. Việc tranh chấp ấy gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn đến việc thực thi các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật thường bị chậm trễ, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người lao động và nảy sinh những mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Từ khi có tổ tư vấn pháp luật, người lao động, đặc biệt là công nhân đã thật sự an tâm mỗi khi có những thắc mắc.
Để hoạt động tư vấn pháp luật ngày một hiệu quả
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiếp tục củng cố nhân sự, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật các cấp; chuyển đổi “Điểm tư vấn pháp luật công đoàn”, thành “Tổ tư vấn pháp luật công đoàn”. Đến nay có 8/16 Điểm tư vấn pháp luật công đoàn chuyển thành Tổ tư vấn pháp luật công đoàn, với 76 cán bộ làm công tác tư vấn. Tháng 3/2016, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh thành lập Văn phòng Tư vấn pháp luật, trụ sở đặt tại Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh, đã tạo thuận lợi cho công nhân lao động đến đề xuất những vướng mắc cần tư vấn.
Đối tượng tư vấn cũng được mở rộng gồm: đoàn viên công đoàn, người lao động, gia đình chính sách, gia đình nghèo, công đoàn các cấp trong tỉnh. Việc tư vấn thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp tại văn phòng, tư vấn qua điện thoại, tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động trong các lĩnh vực như: pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế,... Đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn đa phần là cán bộ chuyên trách làm việc tại LĐLĐ cấp huyện, công đoàn ngành, Công đoàn các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Đồng Tháp và cán bộ của các ngành như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, BHXH huyện, Phòng tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội,...
Đánh giá về chất lượng và hiệu quả các Tổ tư vấn pháp luật, bà Nguyễn Thị Thu Ba - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, thông qua hoạt động của các Tổ tư vấn pháp luật, công tác tư vấn pháp luật đã phát huy tác dụng, giúp người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật lao động. Từ đó tạo được lòng tin của người lao động đối với tổ chức công đoàn, đồng thời khắc phục được tình trạng gửi đơn thư khiếu nại vượt cấp; đơn yêu cầu đúng nội dung, mục đích, giúp công đoàn tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho người lao động.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động các Tổ tư vấn pháp luật còn những hạn chế như: cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật có trình độ cử nhân luật rất ít, bên cạnh đó hệ thống các văn bản pháp luật đa dạng, chồng chéo muốn giải quyết một vấn đề phải nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật, vì không được đào tạo về pháp luật nên một số thuật ngữ trong các văn bản luật gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm ý làm cho cán bộ thực hiện công tác tư vấn thiếu tự tin trong việc tư vấn cho người lao động. Kinh phí dành cho hoạt động tư vấn pháp luật không có, chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị nên gặp khó khăn trong công tác xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết khiếu nại của người lao động và chi thù lao bồi dưỡng cho cán bộ tư vấn...
Để hoạt động tư vấn pháp luật ngày một hiệu quả, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh cho biết sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh và các Tổ tư vấn pháp luật ở các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trong đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ tư vấn pháp luật công đoàn. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ kinh phí, tài liệu, các văn bản quy định pháp luật cho hoạt động các Tổ tư vấn pháp luật, hệ thống hóa các văn bản pháp luật có liên quan đến công nhân viên chức lao động để các Tổ tư vấn pháp luật thuận lợi hơn khi khai thác và tra cứu văn bản. Phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên thực hiện các chương trình đối thoại bằng nhiều hình thức để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người lao động,...
Thông qua các hoạt động tích cực của công đoàn, mà đặc biệt là hoạt động của các Tổ tư vấn pháp luật đạt hiệu quả đã góp phần quan trọng giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên là công nhân cũng như người lao động.
Hiện toàn tỉnh có 1.508 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn với trên 72.000 đoàn viên, trên tổng số gần 82.000 người lao động. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 3.341 doanh nghiệp.
Trước năm 2012, hằng năm xảy ra từ 5-10 cuộc đình công và hàng chục vụ tranh chấp lao động tập thể, phần lớn đều xuất phát từ nguyên nhân không đảm bảo quyền lợi của người lao động. Nhưng cũng có nhiều trường hợp do người lao động có ý thức kỷ luật kém, không nắm vững quy định pháp luật. Năm 2013 - năm đầu tiên đi vào hoạt động, các điểm tư vấn pháp luật đã tư vấn giúp người lao động nắm vững hơn các quy định của pháp luật lao động, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia quan hệ lao động, qua đó tư vấn gần 400 vụ việc cho hơn 850 người lao động về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, chế độ trợ cấp thôi việc, tai nạn lao động,... Trong năm 2017, hoạt động tư vấn pháp luật được quan tâm, có gần 1.000 lượt đoàn viên và người lao động được tư vấn trực tiếp, tuyên truyền pháp luật, chưa kể số lượt tư vấn qua điện thoại.
|
Hữu Nghĩa