Mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Cập nhật ngày: 07/09/2018 10:02:35
ĐTO - Đồng Tháp hiện có trên 10% dân số là người cao tuổi (NCT), trong đó huyện Thanh Bình có trên 12%. Vì thế công tác chăm sóc sức khỏe, phụng dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích là rất cần thiết. Năm 2015, Hội Y tế công cộng (YTCC) Việt Nam phối hợp Sở Y tế Đồng Tháp thực hiện đánh giá: thực trạng chất lượng sống của NCT ở huyện Thanh Bình tại 4 xã (An Phong, Tân Bình là 2 xã can thiệp; Tân Hòa, Tân Phú là 2 xã đối chứng). Kết quả cho thấy cần phải có chương trình can thiệp bằng việc xây dựng mô hình chăm sóc NCT tại huyện Thanh Bình.
Ngày 27/10/2015, Hội YTCC Việt Nam có Công văn về việc triển khai xây dựng mô hình chăm sóc NCT tại huyện Thanh Bình. Sau đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì phối hợp Hội YTCC tỉnh, UBND huyện Thanh Bình và các đơn vị liên quan thực hiện.
Mô hình tập huấn truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá và xây dựng ngôi nhà không khói thuốc cho các cụ ở 2 xã An Phong và Tân Bình; hướng dẫn chế độ ăn và tập thể dục Take 10 cho 60 hội viên nòng cốt của mỗi xã; đánh giá tình trạng thể lực ban đầu, đo chỉ số huyết áp, chiều cao, tốc độ đi bộ, lực bóp cơ tay, cân nặng cho các cụ; phát tài liệu tuyên truyền phòng, chống các bệnh không lây thường gặp ở NCT như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường...
Các giảng viên cao cấp ở Hà Nội cũng đến Đồng Tháp tập huấn kỹ năng tham vấn cộng đồng, kỹ năng chăm sóc tại nhà, sơ cứu, nói chuyện các vấn đề sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ cho hội viên YTCC NCT (nhóm nòng cốt). Mô hình sử dụng những NCT còn khỏe và tình nguyện tham gia giúp đỡ cộng đồng, đặc biệt là tăng cường phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL); đào tạo kỹ năng tuyền thông và tư vấn cho các hội viên tình nguyện YTCC cao tuổi để họ đến các cụm dân cư, hộ gia đình giáo dục sức khỏe.
Để có bằng chứng khoa học, áp dụng rộng rãi mô hình này trong việc giảm gánh nặng bệnh không lây nhiễm với cộng đồng, nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn, Hội YTCC tỉnh triển khai đánh giá ban đầu về thực hành, hiểu biết của người dân về hành vi nguy cơ dẫn đến các bệnh không lây nhiễm, từ đó triển khai các hoạt động can thiệp phù hợp. trong chuyến làm việc tại Đồng Tháp, ông Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao hiệu quả của mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng (dựa vào hội viên YTCC NCT tình nguyện) huyện Thanh Bình và yêu cầu tỉnh thực hiện bài viết về mô hình này để phối hợp đăng tải trên trang thông tin điện tử của WHO.
Bệnh không lây nhiễm đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, có 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây so với khuyến cáo của WHO (400g/ngày) và tỷ lệ này cao hơn ở nam giới. Lượng muối tiêu thụ mỗi người/ngày cũng cao (9,4g) gần gấp đôi so với khuyến cáo (dưới 5g muối/người/ngày).
Nghiên cứu cho thấy, gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo (trung bình ít nhất 150 phút/tuần). Tỉ lệ thừa cân béo phì có xu hướng tăng nhanh, nhất là khu vực thành thị; tăng huyết áp 18,9% (nam giới cao hơn nữ giới); tỷ lệ có rối loạn đường huyết lúc đói và tăng đường huyết là 4,1%; 30,2 người trưởng thành có tăng cholesterol máu và phần lớn dân số có HDL (một loại cholesterol tốt cho sức khỏe) ở mức thấp.
Đã 4 năm Luật phòng, chống THTL có hiệu lực nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: tỷ lệ vi phạm quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng chưa được cải thiện nhiều; điều tra toàn cầu về hút thuốc lá ở người trưởng thành cho thấy phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà ở mức rất cao; 59,9% người trưởng thành cho biết họ phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà với tần suất ít nhất là hàng tháng...
Với những con số đáng quan tâm nêu trên, thì hoạt động YTCC, nhất là phát huy vai trò NCT trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng để can thiệp, phòng chống các bệnh không lây nhiễm là rất cần thiết. Các cấp, các ngành liên quan cần quan tâm để phát triển mô hình.
TN