Những yếu tố ảnh hưởng đến trọng lượng thai nhi

Cập nhật ngày: 01/09/2018 06:20:09

Chiều cao cân nặng của mẹ, bệnh lý của mẹ, bất thường ở dây rốn, bánh nhau... có thể ảnh hưởng đến trọng lượng của thai nhi.

Trong quá trình mang thai, muốn theo dõi xem thai có phát triển bình thường hay không, ngoài việc siêu âm sàng lọc và phát hiện sớm các dị tật về hình thái thai, thì việc theo dõi cân nặng của thai nhi cùng với các chỉ số nhân trắc học khác của thai như: đường kính lưỡng đỉnh, chu vi đầu, chu vi bụng, chiều dài xương đùi... là vô cùng quan trọng.

Bác sĩ Trịnh Thị Thúy, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trọng lượng thể hiện sự phát triển của thai nhi. Một thai nhi có cân nặng quá thấp hay quá cao so với tuổi đều có thể là hậu quả của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó của mẹ, của thai hay bất thường của các phần phụ như bánh nhau, dây rốn, nước ối.

Theo bác sĩ Thúy, cân nặng của thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố:

Bệnh lý từ mẹ

- Chiều cao cân nặng của mẹ: Những bà mẹ gầy gò, thấp bé có nguy cơ sinh con nhẹ cân cao hơn nhóm bà mẹ còn lại.

- Các bệnh lý của mẹ: Mẹ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh mạn tính như suy tim, suy gan, suy thận, tăng huyết áp... cũng có nguy cơ sinh con nhẹ cân.

- Mẹ bị tiền sản giật: Trong thai kỳ nếu mẹ bị tiền sản giật, huyết áp tăng sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp máu và dinh dưỡng từ mẹ qua bánh nhau đến với thai nhi. Em bé có thể bị suy dinh dưỡng.

- Mẹ bị tiểu đường thai kỳ: Trong thai kỳ nếu mẹ bị tiểu đường không chỉ gây nguy hiểm mà còn khiến thai nhi bị rối loạn tăng trưởng, thai to so với cân nặng chuẩn.

Thai nhi bị dị tật bẩm sinh

Cân nặng của thai nhi phụ thuộc vào các yếu tố như chu vi đầu, chu vi bụng và chiều dài xương đùi. Vì vậy, nếu thai nhi trong bụng mẹ gặp bất cứ dị tật gì ảnh hưởng đến các bộ phận này cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả cân nặng.

Bánh nhau bất thường

Bánh nhau chứa các hồ huyết là nơi cung cấp dinh dưỡng của mẹ cho thai nhi. Các gai nhau được nhúng trong hồ huyết, qua hàng rào nhau thai lấy chất dinh dưỡng của mẹ vận chuyển qua dây rốn đưa đến nuôi thai. Nếu chức năng của bánh nhau bị suy, quá trình trao đổi dưỡng chất từ mẹ tới bào thai bị giảm. Thai nhi không thu nhận được đủ chất dinh dưỡng từ mẹ sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển, còi cọc.

Dây rốn bất thường

Dây rốn có nhiệm vụ vận chuyển chất dinh dưỡng từ bánh nhau đến thai nhi. Nếu có bất thường ở dây rốn sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp máu, chất dinh dưỡng đến thai. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến cân nặng của em bé.

Số lượng thai nhi

Những mẹ mang thai đôi, thai ba thì các bé có cân nặng nhẹ hơn so với bé được mẹ mang một thai.

Các thiết bị đo đạc

Thiết bị tại các phòng khám lạc hậu hoặc bác sĩ thao tác sai số thì cũng cho ra kết quả cân nặng thai nhi không đúng với thực tế.

Ngoài siêu âm, bác sĩ thăm khám lâm sàng đo chiều cao tử cung, vòng bụng của mẹ đã có thể ước lượng một cách khá chính xác trọng lượng thai nhi.

Do đó, đo chiều cao tử cung, vòng bụng khi khám thai là một việc làm cần thiết, đối chiếu với cân nặng thai đo qua siêu âm, hạn chế được sai số về thai nhi.

Thu Hiền (VNE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn