Nên khám kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn để giữ gìn hạnh phúc gia đình bền vững
Cập nhật ngày: 15/01/2019 05:19:59
ĐTO - Tư vấn và khám kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn (TV&KKTSKTKH) là một trong những công tác quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số (DS). Tuy nhiên, vấn đề này nhiều địa phương trong cả nước đang gặp không ít khó khăn, bởi các bạn trẻ còn e ngại, chưa thật sự quan tâm.
Giúp người dân hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh.
Ông Lê Văn Hùng - Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh
* PV: Xin ông cho biết những lợi ích của TV&KKTSKTKH trong mục tiêu nâng cao chất lượng giống nòi trong chương trình DS - KHHGĐ hiện nay?
- Ông Lê Văn Hùng: TV&KKTSKTKH là hoạt động tư vấn và khám kiểm tra sức khỏe cho các cặp nam, nữ trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn, đặc biệt là với đối tượng vị thành niên, thanh niên để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị sớm một số bệnh có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau; chuẩn bị để có một cuộc sống tình dục thoải mái, thỏa mãn và an toàn nhất; dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau.
Khám sức khỏe trước khi kết hôn là một việc làm khoa học để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Thông qua đó, các bạn trẻ không chỉ được hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của nhau mà còn có thể chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống gia đình sau này. Ngoài ra, con cái sinh ra cũng hạn chế được những nguy cơ mắc bệnh, bị dị tật, khuyết tật, góp phần giảm bớt gánh nặng về DS cho xã hội, nâng cao chất lượng giống nòi.
Khám sức khỏe trước hôn nhân được thực hiện theo Quyết định số 25/QĐ-BYT, ngày 7/1/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân. Quy trình chuyên môn, bao gồm 4 bước: tiếp nhận hồ sơ và hoàn thiện thủ tục hành chính; khám sức khỏe theo hướng dẫn Bộ Y tế; khám chuyên khoa sâu theo chỉ định của bác sĩ; kết luận về kết quả khám sức khỏe. Căn cứ vào kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ trực tiếp khám ký giấy chứng nhận sức khỏe, sổ khám sức khỏe và kết luận thực trạng sức khỏe của nam nữ chuẩn bị kết hôn.
Việc khám sức khỏe trước hôn nhân có ý nghĩa quan trọng tới việc phát hiện bệnh di truyền qua khám tiền sản. Bởi đã có nhiều bệnh chuyển hóa của bệnh nhi bắt nguồn từ gen di truyền. Với những người mang gen này, việc khám sức khỏe sớm để phát hiện bệnh sẽ giúp người trong cuộc quyết định có nên lấy nhau hay không, hoặc nếu lấy nhau thì sẽ chọn biện pháp mang thai thế nào cho phù hợp để tránh có những đứa con dị tật bẩm sinh. Chính vì vậy, các bạn trẻ nên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để giữ gìn hạnh phúc gia đình bền vững.
- PV: Thực trạng công tác TV&KKTSKTKH trên địa bàn tỉnh thời gian qua và hiện nay như thế nào?
* Ông Lê Văn Hùng: Thực tế hiện nay là đa số các bạn trẻ bước vào độ tuổi kết hôn đều chưa quan tâm đến việc khám sức khỏe trước khi lập gia đình. Theo họ, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn là việc tự nguyện của mỗi cá nhân và hôn nhân gia đình, chủ yếu dựa trên tình yêu và sự tin tưởng lẫn nhau. Vì thế rất nhiều cặp vợ chồng lấy nhau sau vài năm chung sống mới phát hiện ra người bạn đời của mình mắc một số bệnh lây truyền như nhiễm HIV, viêm gan B..., thậm chí là cả vấn đề vô sinh, khi đó mọi việc đã trở nên quá muộn. Làm gì để khắc phục tình trạng trên là vấn đề đặt ra đối với hệ thống làm công tác DS trong ngành y tế.
Ngay từ năm 2011, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thí điểm thực hiện mô hình TV&KKTSKTKH tại 13 xã thuộc 4 huyện điểm, đến năm 2013 duy trì và đã mở rộng thêm 12 xã, nâng tổng số địa bàn thực hiện mô hình lên 25 xã, thị trấn. Đến nay, đã có 12/12 huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng, thực hiện và thành lập 159 Câu lạc bộ TV&KKTSKTKH, với 3.413 thành viên tham gia.
Nội dung hoạt động chủ yếu tập trung vào công tác truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức của nhóm đối tượng các cặp nam, nữ trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn về tư vấn sức khỏe trước hôn nhân, với nhiều hình thức truyền thông đa dạng và phong phú như: vãng gia, tổ chức các nhóm đồng đẳng viên, thành lập các câu lạc bộ tiền hôn nhân thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng.
Cụ thể, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên đã thực hiện vãng gia hơn 80.724 hộ gia đình, tổ chức 503 cuộc nói chuyện chuyên đề cho hơn 14.914 người. Thông qua các kênh truyền thông đại chúng đã tổ chức 4.262 lượt phát thanh, 922 tin, bài qua hệ thống Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố và Trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn; nhân bản và cấp phát hơn 167.000 tờ rơi tuyên truyền về sức khỏe trước hôn nhân và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên.
Tính riêng năm 2018 đã thực hiện 640 buổi truyền thông, tư vấn cho 5.509 cặp nam, nữ trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn tham dự và 8.769 lượt người tiếp cận, với 4.920 tờ rơi tuyên truyền về sức khỏe tiền hôn nhân được cấp phát, đã có 411 trường hợp được khám kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn. Trong đó, thực hiện hỗ trợ từ kinh phí sự nghiệp y tế - DS địa phương 85 trường hợp và quản lý thông qua thực hiện xã hội hóa 326 trường hợp, phát hiện 1 trường hợp nghi ngờ bất thường được tư vấn chuyển tuyến trên theo dõi tầm soát và hướng dẫn điều trị...
Hoạt động tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân bước đầu mang lại nhiều kết quả thiết thực, không những giúp thay đổi cách nghĩ của một bộ phận giới trẻ về vấn đề khám sức khỏe trước hôn nhân mà còn góp phần hạn chế tình trạng nạo phá thai, giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng DS tại địa phương.
* PV: Trong năm 2019 cũng như thời gian tới, để khắc phục những khó khăn và nâng cao hiệu quả công tác này, ngành DS sẽ triển khai các giải pháp như thế nào?
- Ông Lê Văn Hùng: Trong năm 2018, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng Đề án TV&KKTSKTKH Việt Nam giai đoạn 2019-2025. Theo lộ trình, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch thực hiện đề án từ năm 2019 với những giải pháp như sau:
Một là, tăng cường các chương trình truyền thông tư vấn về sức khỏe trước hôn nhân nhằm tăng sự hiểu biết của vị thành niên và thanh niên; tranh thủ sự tham gia và ủng hộ nhiều hơn nữa từ các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cũng như các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền các thông điệp về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân.
Hai là, tập trung tuyên truyền tư vấn nhóm đối tượng là cha, mẹ của vị thành niên và thanh niên; nam nữ trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn có được kiến thức, kỹ năng để có thể giải thích và truyền đạt cho con mình hiểu biết về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của khám sức khỏe trước hôn nhân; về sức khỏe sinh sản, khám và làm các xét nghiệm kiểm tra nhằm xác định tình trạng sức khỏe, khả năng sinh sản và phát hiện sớm các bệnh, tật bẩm sinh, biết các biện pháp dự phòng, theo dõi và chuyển tuyến điều trị... nhằm giảm thiểu nguy cơ tật, bệnh bẩm sinh của những đứa trẻ được sinh ra trong tương lai.
Ba là, đầu tư mở các cơ sở tư vấn, trung tâm cung ứng dịch vụ, phòng khám sức khỏe trước hôn nhân để các nhóm đối tượng nam, nữ thanh niên được tiếp cận các dịch vụ TV&KKTSKTKH.
Bốn là, tiếp tục đầu tư kinh phí từ Chương trình mục tiêu y tế - DS để triển khai thực hiện hoạt động TV&KKTSKTKH; đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ chi phí cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn thực hiện một số dịch vụ cận lâm sàng trong khám, kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn.
Năm là, cung cấp đa dạng các phương tiện tài liệu truyền thông như: tờ rơi, tờ bướm, áp phích, tranh ảnh có nội dung tuyên truyền về sức khỏe trước hôn nhân để phân phối cho các câu lạc bộ, lực lượng nhân viên y tế khóm, ấp, cộng tác viên tuyên truyền tuyến cơ sở.
* PV: Xin cám ơn ông!
BÍCH LIỄU (thực hiện)