Câu chuyện Lai Vung

Cập nhật ngày: 20/02/2017 05:51:01

"… Mời anh, mời anh đến Lai Vung vui Xuân về,

Dòng sông Hậu, sóng hát xôn xao hoà máy reo…!"

Nghe câu hát ngân nga ngọt ngào, vậy là phải tranh thủ về ngay Lai Vung, về với một dãy sông Hậu hiền hoà, một vùng đất trù phú, về với những người dân luôn chịu thương, chịu khó bao đời!

Đầu tiên là đi thăm bà con mình làm du lịch trải nghiệm vườn Quýt. Nghe nói dịp Tết vừa rồi, bà con mình cũng khấm khá lắm. Từ Vườn Lan Anh, rồi Vườn Phương Nghi và đây là Vườn của anh Út Tường. Ai đó chắc cũng chưa thật hài lòng với các điểm tham quan này và có thể chỉ ra chỗ này, chỗ kia sao lại thế này, thế nọ và phải chi thế nọ thế kia... Nhưng hãy ngồi và nghe những lời tự sự, những nụ cười, ánh mắt những người chủ vườn - giờ còn là chủ các điểm tham quan, mới thấy nên gạt qua một bên thói quen "dòm ngó và chỉ trích" để cùng chung vui, để mà nghe thấy: Đúng là "sông Hậu đang sóng hát"!

Bà con mình rất thật tình: Tụi tui mới ngày nào chỉ quanh quẩn bên gốc quýt gốc cam, cả ngày chỉ nghĩ đến nào phân nào thuốc, nào sâu rầy nào dịch bệnh, rồi thắc thỏm chờ kết quả một vụ mùa; đùng một cái, giờ đã trở thành những ông chủ, bà chủ kinh doanh du lịch tham quan trải nghiệm rồi. Chúng tôi biết rằng mình còn thiếu nhiều thứ lắm chứ, nhưng phải tính từ từ thôi, và mong mọi người góp ý để càng ngày càng tốt hơn!

Chợt nghĩ đúng rồi! Mới hôm qua còn là nông dân, mà hôm nay đã trở thành người chủ một điểm kinh doanh, mà lại là một lĩnh vực đầy tinh tế và không dễ dàng, mà người ta ví như "làm dâu trăm họ"! Đâu chỉ qua một, hai buổi tập huấn là xong, là đủ đâu! Chính quyền, các cơ quan chuyên môn phải tiếp tục hà hơi, tiếp sức với bà con. Đừng chỉ suy nghĩ đó là một ngành nghề phụ thêm, mà phải đặt quyết tâm và có tầm nhìn xa hơn là chuyển từ làm giàu nhờ trái quýt trái cam, chuyển sang làm giàu dựa vào du lịch nông nghiệp, một ngành người ta gọi là "công nghiệp không khói". Đó là một xu hướng cả thế giới đang đi và hướng đến. Còn nhiều việc phải làm lắm và phải bắt tay vào làm ngay, chứ đừng chỉ biết vỗ tay hoan hô!

Mà "Sông Hậu" đâu chỉ đang hát bài ca du lịch đâu! Sông Hậu đang hát bài ca khởi nghiệp nữa. Nhiều bạn trẻ sau những năm tháng bôn ba xứ người để tìm kiếm cơ hội sinh kế giờ đã quay về làm giàu ngay trên mảnh đất của cha ông với tư duy mới, nguồn năng lượng mới. Mắt các bạn ấy sáng lắm. Nụ cười các bạn ấy ánh lên bao là khát vọng. Nghe các bạn kể chuyện khởi nghiệp sao mà thấy thật mạnh mẽ! Thì đó, bạn Thuỷ ở Phong Hoà chế biến món dân dã làm từ bánh tráng, từ chuối, khóm, mãng cầu thành những sản phẩm mang nhãn hiệu gần gũi hơi thở ruộng vườn - Mứt phồng Tư Bông. Cũng là trái mãng cầu được coi như là một sản phẩm phụ, vào tay hai anh em Ngọc Quý và Quý Ngọc ở Vĩnh Thới thì lại chế biến thành những sản phẩm được vô bao, đóng hộp chuyên nghiệp, như: nước mãng cầu, mãng cầu sấy dẻo... mang nhãn hiệu Thuận Thiên Thành. Hai anh em còn ấp ủ những dự định pha trộn những loại trái cây khác để đa dạng hoá sản phẩm của mình mới thật đáng khâm phục làm sao.

Các bạn trẻ Lai Vung này hợp cùng các bạn trẻ khác ở Hồng Ngự, Châu Thành, Tam Nông, Cao Lãnh, Sa Đéc... đang nhóm lên những đốm lửa khát vọng làm giàu cho mình, làm trù phú thêm cho một vùng đất màu mỡ bên bờ sông Hậu và những miền đất còn nhiều tiềm năng khác trên khắp mảnh đất Sen hồng. Các bạn đã chứng minh cách nghĩ mới, cách làm mới ngay trên những nông sản quá đỗi thân thuộc ở những bờ liếp quanh nhà. Từ những đốm lửa đó, cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống làm sao để thổi bùng lên thành những ngọn lửa khát vọng của bà con mình để làng xóm trù phú hơn, quê hương giàu đẹp hơn.

Kết thúc một ngày rong ruổi trên những con đường sông Hậu, dừng chân tham dự buổi khai trương Thành Tâm Hội quán. Lòng cảm thấy xúc động khi lại được nhìn thấy những người nông dân quyết tâm thay đổi, mạnh dạn bước ra khỏi ngôi nhà của mình để đến một không gian chung của cộng đồng, để "nói cho nhau nghe và nghe nhau nói". Nhìn chú Tư Mầu râu tóc bạc phơ ngồi quây quần bên các bạn trẻ mới thấy chan chứa nghĩa tình làm sao. Anh Tư Phong, người mấy năm nay kiên trì thực hiện mô hình sản xuất sạch, đã vượt qua được bao lời ngờ vực. Anh Út Chuốt còn nói: tụi tui làm nông sản sạch giống như đi tu mà chưa có cái chùa đã đi tu rồi! Giờ thì bao công sức và tâm huyết của các anh đã được đền bù xứng đáng: Công ty VinEco đã liên kết thu mua trái quýt từ cách làm tử tế với giá cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Vậy đó, chuyện khởi nghiệp đâu chỉ là chuyện riêng của những người trẻ. Những nông dân cao tuổi cũng bắt đầu một cuộc hành trình khởi nghiệp bằng du lịch trải nghiệm, bằng những nông sản sạch, bằng sự tử tế và bằng cách làm ăn hợp tác với nhau rồi. Mẫu số chung của những mô hình khởi nghiệp đó chính là cái tâm - tâm của người sản xuất không muốn sản phẩm của mình bị người tiêu dùng quay lưng vì chứa các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ngay cái tên "Thành Tâm" mà bà con đặt cho Hội quán của mình đã nói thay cho sự thay đổi về một cách làm nông nghiệp hướng đến an toàn và chất lượng. Lại chợt nghĩ, sao có nhiều sự trùng hợp với những cái tên của các hội quán đến vậy?!? Nào là Minh Tâm, Nhân Tâm, Đồng Tâm rồi nay là Thành Tâm. Ngay cả những cái tên như Canh Tân, Duy Tân, Thanh Tân, Xuân Hoà cũng là hàm ý hướng đến sự mới mẻ, sự thay đổi rồi còn gì!

Bác Hồ dạy chúng ta: "... Nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân...". Bà con mình đang thay đổi rồi đó! Hệ thống mình cũng cần thay đổi mạnh mẽ để đồng hành cùng bà con! Không dòm ngó và chỉ trích! Cũng đừng chỉ biết vỗ tay! Hãy đi đến và kết nối bà con lại, cùng dẫn dắt nhau đi tiếp con đường tiến đến sự thịnh vượng!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn