Hoa vàng và cỏ xanh

Cập nhật ngày: 15/09/2016 18:59:36

Xin mượn lời của bài hát “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” để nói lên một cảm xúc, một niềm hạnh phúc trước những điều mình thấy được, nghe được, cảm nhận được trong thời gian gần đây.

Trước hết, hình ảnh Đồng Tháp đã được lan tỏa trên nhiều diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi đã được tiếp xúc với nhiều người, từ những vị lãnh đạo, các bậc trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia, giới truyền thông, đến các doanh nhân, bà con nông dân, những bạn trẻ và được nghe nhiều lời ngợi khen, động viên, cổ vũ. Chúng ta tự hào khi đọc những thông tin đâu đó ủng hộ những mô hình mới, những ý tưởng mới xuất phát từ mảnh đất Sen hồng này. Chúng ta tự hào với những thương hiệu gắn với Sen ngày càng nhiều: Hương Sen, Sen Hồng, Sen Việt, Sông Sen... Chúng ta tự hào vì đó là thành quả của những con người Đồng Tháp đã dám từ bỏ sự tự ti, dám thay đổi cho dù trên chặng đường đi đến sự đồng thuận luôn không bằng phẳng, thậm chí trong đó có cả sự hoài nghi, đôi lúc cũng nản lòng.

Thì đây, tôi đã thấy một đội ngũ doanh nhân vừa chật vật đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của thời hội nhập, vừa vững tin hoạch định những đường hướng phát triển mới cho tương lai. Một cộng đồng doanh nhân không còn đơn độc trên con đường tìm kiếm sự thịnh vượng, mà luôn có người bạn đồng hành biết thấu cảm và chia sẻ, đó là chính quyền và rộng hơn là cả guồng máy địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có những người bạn “cùng hội cùng thuyền” biết cùng sẻ chia, liên kết với nhau trong các tổ chức như Hiệp hội, Câu lạc bộ, các nhóm chính thức và phi chính thức. Và đặc biệt, các doanh nghiệp đầy tâm huyết với tỉnh nhà đã hòa mình vào LBCD (Leading Business Club - Câu lạc bộ các doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp) cùng dẫn dắt những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ trở thành hiện thực.

Thì đây, tôi đã thấy những tấm lòng thiện nguyện đang âm thầm lặng lẽ đến với xã hội bằng tinh thần sẻ chia yêu thương chứ không để đánh bóng thương hiệu, vì hư danh, bằng mệnh lệnh từ trái tim chứ không bằng chỉ tiêu hành chính, vì thành tích. Chúng ta tôn vinh anh Bên, chú Hai Đâu, thầy giáo Mốt và còn rất nhiều người nữa vì những nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn. Chúng ta cảm phục những nhóm thiện nguyện ngày đêm rong ruổi trên các nẻo đường để mang ánh sáng, tri thức, và những món quà đầy tình người đến với những mảnh đời còn khốn khó. Tất cả đều có chung cùng một mục đích: Làm đẹp cho đời!

Ông Phạm Văn Bên, Chủ DNTN Cỏ May (Đồng Tháp) chi 40 tỷ đồng để xây ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo trong khuôn viên trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: NLĐO

Thì đây, tôi đã thấy những người nông dân đã bắt đầu nhận ra rằng mình sẽ không thể phát triển trong sự đơn độc mà phải chung nhau lại trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hội quán để mà giúp nhau và tự giúp mình trong cuộc sống. Bà con đã nhận ra rằng nếu giữ mãi cách làm ăn theo kinh nghiệm bao đời thì không thể cạnh tranh nổi trong thời buổi mà thế giới đã là một ngôi chợ chung như thế này. Bà con cũng đã ít nhiều hiểu rằng, bằng khoa học công nghệ, bằng liên kết chuỗi ngành hàng với doanh nghiệp, bằng cách sản xuất tử tế thì nông sản do mình đổ bao công sức có được sẽ chuyển thành thương hiệu, mà có thương hiệu là có thị trường, thu nhập gia đình được nâng cao, làng xóm yên lành, quê hương trù phú.

Thì đây, một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang chuyển từ tư duy quản lý, điều hành sang kiến tạo môi trường để xã hội hoạt động, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm niềm tự hào và hạnh phúc của mình. Có như vậy mới có nhiều người đứng đầu thật sự đã “nhấc mông lên mà đi”, dân không đến thì mình đến với dân. Có như vậy mới có nhiều mô hình, sáng kiến xuất phát từ cơ sở được bà con đồng tình, ủng hộ. Nhiều nụ cười đã xuất hiện nhiều hơn trong chốn “công đường” vốn đầy nghiêm trang.

Thì đây, tôi đã thấy một xã hội rộng lớn, phong phú, năng động chung quanh mình. Chỉ cần là một câu nói tâm huyết có khi đến nặng lòng, chỉ cần một ý tưởng tưởng chừng như nhỏ nhặt của bất kỳ ai đó - có khi là “trái ngành, trái nghề” - của những người tri thức, cán bộ về hưu, một công chức trẻ ở cơ sở, các bậc tu hành.... đều có thể làm tôi thức tỉnh, làm tôi như được thôi thúc hơn trong công việc của mình. Thay đổi nhỏ mang lại kết quả lớn là vậy!

Thì đây, tôi đã thấy một tinh thần khởi nghiệp đang âm thầm, lặng lẽ nhưng ẩn chứa những đam mê và khát vọng từ những người trẻ, thế hệ tương lai của mảnh đất này. Các bạn trẻ, những thế hệ 8X, 9X, thế hệ Z, với cách nghĩ khác, cách làm khác, đang dấn thân tìm kiếm và phát hiện những ý tưởng làm thay đổi cuộc sống cho chính mình và hơn nữa là làm đẹp, làm giàu cho quê hương. Các bạn đang thoát ly những cách làm cũ kỹ, theo kiểu phong trào, nặng tính khoa trương, tuyên ngôn ầm ĩ. Các bạn đang quây quần bên nhau, chia sẻ cùng nhau, kết nối với nhau trong các không gian mở, không gian mạng: hội quán, câu lạc bộ, nhóm cùng sở thích, trong quán cà phê, trong các lớp học và ngay cả ngoài đồng ruộng. Tôi thật sự tự hào, hãnh diện về các bạn trẻ, những người tôi được tiếp xúc, được trao đổi, được sẻ chia. Và chắc chắn còn nhiều, nhiều lắm những người trẻ mà tôi chưa được biết đến cũng đang bùng lên tinh thần như vậy. Các bạn đang truyền cảm hứng và buộc những người lãnh đạo phải có trách nhiệm vun đắp cho những đam mê và khát vọng sớm biến thành hiện thực. Lý thuyết và thực tiễn đều minh chứng rằng, sự thành công trong khởi nghiệp là thấp hơn sự thất bại, nhưng như một người đã chia sẻ: “Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi sự nhiệt huyết”. Ông bà mình đã căn dặn rồi: “Thất bại là mẹ thành công” kia mà!

“Hoa vàng và cỏ xanh”, tất nhiên, những điều tôi đã thấy không hoàn toàn chỉ có vậy, không chỉ có những gam màu đẹp. Tôi đã thấy đâu đó những bông hoa nhạt màu, những thảm cỏ úa dần. Tôi không chỉ thấy ong, thấy bướm mà tôi còn thấy đâu đó có những “con sâu đang làm rầu nồi canh”. Tôi cảm nhận rằng sẽ có nhiều phản biện bằng những dẫn chứng đầy thuyết phục rằng “Đời không như là mơ”. Nhưng, chắc chắn là cuộc sống chỉ hướng dần đến, chứ không bao giờ là hoàn mỹ, hoàn thiện cả. Và trên con đường đó, mỗi người cũng hãy nhận về mình một tinh thần trách nhiệm, xem mình ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, cố ý hay vô tình đều không vô can trong những khiếm khuyết đó.

Nếu có niềm tin thì chúng ta sẽ cùng nhau hành động như người trong cuộc. Hãy bớt đi “cái tôi” của mình thì nhất định chúng ta sẽ tiến nhanh hơn, gần hơn đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ.

“Niềm tin tạo lập hành vi, hành vi gieo nên kết quả” là vậy!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn