Chuyện người nông dân quê tôi

Cập nhật ngày: 03/11/2017 06:20:31

Hôm rồi, đi dự Diễn đàn "Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ" thật thú vị vì có quá nhiều nội dung rất hay, rất thiết thực, lại được trình bày bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Càng vui hơn nữa khi gặp những nông dân trong các hội quán Đất Sen hồng ngồi tham dự với tâm thế thật háo hức: Lần đầu "bước chân ra ngõ" mà! Vậy là, những người nông dân đôn hậu, cần cù, chất phát quê tôi đã tự tin bước ra khỏi ngôi nhà, mảnh vườn, thửa ruộng, ao cá rồi! Bà con đã tự tin đến với các sự kiện lớn, mở ra nhiều cách nhìn mới, thiết lập các mối quan hệ mới.

Chắc là nhiều người nông dân quê tôi lần đầu nghe đến các cụm từ mới mẻ. Nào là, "tài nguyên bản địa". Nào là, "sức mạnh công nghệ". Nào là, "chuỗi giá trị ngành hàng". Nào là, "phân khúc thị trường". Nào là, "Nông nghiệp 4.0"... Vậy là, bà con ngờ ngợ rằng từ trước tới giờ mình chỉ biết sản xuất rồi bán thô, còn xứ người ta thì sản xuất rồi bảo quản, rồi chế biến, rồi còn phải biết cách mua bán thông minh nữa,… Vậy thì mới giàu có! Bà con cũng hình dung có những đất nước điều kiện đất đai khô cằn hơn mình, không có nguồn nước dồi dào như mình, nhưng họ biết cách biến những điều bất lợi thành tinh thần khởi nghiệp cho cả một dân tộc.

Chúng ta hay trách cứ người nông dân chậm thay đổi, thậm chí là bảo thủ?!? Trách vậy có công bằng với bà con không khi mà bà con mình cứ mùa vụ này nối tiếp mùa vụ kia "Sáng đi ruộng lúa, tối nằm ruộng dưa!", ngày rộng tháng dài quanh quẩn trong làng trong xóm. Chúng ta hay trách người nông dân làm ăn manh mún, tự phát, nhưng sao khác được khi tập quán được truyền từ đời này truyền sang đời khác, đất đai thì teo tóp dần. Chúng ta hay trách người nông dân "Thấy người ta ăn khoai thì cũng vác mai đi đào", không biết "sản xuất theo thị trường", trong khi người này chỉ nhìn người kia mà làm. Chúng ta trách bà con không biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong khi nhiều mô hình khuyến nông "sớm nở tối tàn".

Nhưng hôm nay đã có những bà con mình bước đầu hoà nhập vào thế giới bao la rồi. Bà con mình nghe các chuyên gia chia sẻ xu thế của người tiêu dùng hiện nay và sắp tới như thế nào, cách họ kết hợp giải pháp công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản như thế nào? Bà con đang dần hiểu ra người ta đã đi vào nền nông nghiệp 4.0. Vậy đó, nói nông nghiệp thông minh cần nông dân thông minh thì ở quê tôi đã có những người nông dân thông minh rồi!

Người nông dân quê tôi đã dần thay đổi! Nhìn hình ảnh những người nông dân trong các hội quán đến với nhau bằng những món quà mà thấy thiệt là ấm áp trong lòng. Đâu có gì là cao sang đâu, chỉ là "cây nhà lá vườn" thôi, nhưng chứa đựng bao nhiêu là nghĩa, là tình. Trước đó họ đâu có quen biết gì nhau, nhưng nay đã là "những người đồng hội đồng thuyền" rồi! Họ đến để vui với nhau, để tìm sức mạnh lẫn nhau. Họ đang cùng nhau hình thành liên minh thay đổi. "Người đi trước rước người đi sau mà"! Bà con mình dần cảm nhận được triết lý: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau"! Hôm khai trương Tâm Quê Hội quán chiếu cho bà con xem đoạn phim "Một chiếc xe chạy ra, hai chiếc xe chạy vô", hàm ý nói rằng mình xuất khẩu nông sản một thì mình lại nhập khẩu hai. Nhìn những ánh mắt của bà con thật tâm trạng mà thương quá! Vậy là người nông dân dần hiểu ra rằng, nông sản của thiên hạ mẫu mã đẹp hơn mình, chất lượng hơn mình, mà giá cả thì phải chăng. Vậy là người ta thắng, còn mình thì thua ngay trên sân nhà rồi còn gì! Vậy hổng chịu thay đổi và liên minh lại cùng nhau thay đổi thì nông nghiệp xứ mình rồi sẽ ra sao đây bà con?

Một khi người nông dân quê tôi thay đổi thì chính họ đang tham gia vào cuộc cách mạng mới mang tên "Tái cơ cấu nông nghiệp" - cuộc cách mạng từ người nông dân, vì người nông dân và do chính người nông dân. Cuộc cách mạng vì mục tiêu làm giàu cho chính mình và xã hội. Cách mạng là thay đổi, mà mọi sự thay đổi đều khó khăn lắm. Khó khăn trước hết là từ trong ngay bản thân mỗi người. Mỗi người thấy rằng phải cần thay đổi, có thể thay đổi. Phía sau bà con là cả một hệ thống có trách nhiệm hỗ trợ, nhưng muốn hỗ trợ thì ngay hệ thống cũng phải thay đổi. Trước tiên, phải có kiến thức và cách truyền đạt kiến thức đến với bà con. Đừng nói những điều đao to búa lớn, những lời có cánh. Bà con cần những điều gần gũi hơn, thiết thực hơn. Bà con cần người kết nối lại với nhau, kết nối với các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia tư vấn để có những câu trả lời cho những điều còn băn khoăn, còn trăn trở.

Cũng hôm ở Diễn đàn, những người nông dân quê tôi được nghe các vị chuyên gia đánh giá hiệu quả của mô hình "Hội quán" như một sáng kiến tập hợp sức mạnh xã hội. Vậy là, từ không gian "Hội quán", từng bước bà con sẽ tự tin hơn, mạnh mẽ hơn trên con đường cùng nhau thay đổi vì chính mình, cho chính mình. Chúng ta hay nói về vai trò chủ thể của người dân nói chung, người nông dân nói riêng, nhưng để hiểu đúng và hành động đúng, rõ ràng chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Đừng chần chừ nữa, đừng biện minh nữa, bà con đang trông chờ chúng ta!

Ông bà mình đã tổng kết: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Mình nên tự trách mình sao chưa đủ khả năng thuyết phục để tất cả bà con nông dân cùng thay đổi! Thương lắm những người nông dân Đất Sen hồng quê tôi!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn