Bảo tàng Đồng Tháp làm tốt công tác xã hội hóa hiện vật

Cập nhật ngày: 24/12/2012 05:31:55

Bảo tàng Đồng Tháp hiện đang bảo quản trên 27.000 hiện vật các loại, với cả trăm bộ sưu tập quý, tăng gấp 100 lần so với lúc mới hình thành. Kết quả đáng phấn khởi này một phần không nhỏ là nhờ Chương trình xã hội hóa sưu tầm hiến tặng hiện vật.


Nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (tỉnh Quảng Ngãi) tại lễ trao tặng
66 hiện vật cổ cho Bảo tàng Đồng Tháp

Ông Lâm Dũ Xênh - nhà sưu tập ở tình Quảng Ngãi cho biết: 66 hiện vật mà ông hiến tặng Bảo tàng Đồng Tháp thuộc 8 nhóm cổ vật như: Rìu đá, rìu đồng, khuyên tai, lưỡi giáo, kiếm, hũ và tiền xu. Tập trung chủ yếu ở 2 niên đại Văn hóa Hùng Nguyên cách nay khoảng 4.000 - 5.000 năm và Văn hóa Đông Sơn cách nay khoảng 2.500 năm. Riêng nhóm tiền xu có niên đại khoảng 300 năm. Những hiện vật này mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần quật khởi của dân tộc Việt qua các thời đại dựng nước và giữ nước.

Để những nhà sưu tập như ông Lâm Dũ Xênh có thể biết đến Bảo tàng Đồng Tháp và hiến tặng cổ vật là nhờ có sự giới thiệu cổ vũ của Công ty Cổ phần Di sản Việt. Đây cũng là đơn vị đã 3 lần hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Đồng Tháp. Nhà sưu tầm Lưu Quốc Bưởu - Giám đốc Cty Cổ phần Di sản Việt cho biết: “Chính hoạt động của Bảo tàng Đồng Tháp đã thu hút các nhà sưu tập. Bảo tàng Đồng Tháp có lối trưng bày tốt là sự khuyến khích lớn cho các nhà sưu tầm tặng hiện vật. Chúng tôi thấy hãnh diện là hiện vật của mình tặng được trưng bày và bảo quản tốt. Chúng tôi rất quý, nên vận động anh em hiến tặng những hiện vật quý cho Bảo tàng Đồng Tháp”.

Bảo tàng Đồng Tháp được xây dựng vào năm 1978, nhưng đến những năm 1990, 1991 nơi đây cũng chỉ mới có khoảng 300 hiện vật, chủ yếu là hiện vật thời kỳ kháng Pháp và kháng Mỹ, nhưng đến nay đã tập hợp được trên 27.000 hiện vật, với trên 100 bộ sưu tập quý, hiếm về các giá trị di sản văn hóa vật thể của tỉnh nhà nói riêng, ĐBSCL và dân tộc Việt Nam nói chung. Ngoài các hiện vật sưu tầm trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ còn có các bộ sưu tập khai quật được ở Quần thể di tích Gò Tháp về gốm, tượng, gỗ, gạch,... của nền Văn hóa Óc eo, Văn hóa Phù Nam có niên đại cách nay trên 1.500 năm. Riêng các bộ sưu tập về gốm sứ và văn hóa các vùng miền, đa phần là do chương trình xã hội hóa, vận động hiến tặng.

Ông Trần Văn Nam - Giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp cho biết: Chủ trương xã hội hóa ngay từ bước đầu cho thấy hiệu quả cao, chúng tôi đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên cơ sở, tìm những nhà yêu mến cổ vật giao lưu văn hóa và tiếp cận đề nghị giúp đỡ. Miền Nam là vùng đất mới, cổ vật ít nên giao lưu thêm với các tỉnh miền Trung, miền Bắc để có những bộ sưu tập Đông Sơn, Sa Huỳnh,... Chúng tôi rất phấn khởi là khi đặt vấn đề họ sẵn sàng giúp đỡ.

Trong số những bộ hiện vật hiến tặng cho Bảo tàng Đồng Tháp đáng chú ý gần đây là Doanh nghiệp tư nhân Tám Phấn ở Cái Bè, Tiền Giang đã hiến tặng 5 tượng Phật bằng gỗ thuộc nền Văn hóa Óc eo. Đây là số tượng mà doanh nghiệp phát hiện trong quá trình thi công cụm tuyến dân cư (năm 2004) hay như 280 ký tiền cổ thời Gia Long Thông Báo 1802-1820 và Minh Mạng Thông Báo 1820-1840 do Doanh nghiệp tư nhân Tiến Dũng phát hiện trong quá trình thi công xây dựng chợ Nha Mân.

Ông Nguyễn Công Tích - Trưởng Ban tế tự Đình Định Yên, huyện Lấp Vò cũng đã hiến tặng 24 cổ vật. Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Công Tuấn ở TP.HCM cũng tặng cho Bảo tàng Đồng Tháp 68 cổ vật gốm sứ Việt Nam và Trung Quốc có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX. Đặc biệt trong gần một thập niên qua, nhiều đơn vị tư nhân và nhà sưu tập cổ vật tạo TP.HCM và 1 số tỉnh miền Trung, miền Đông Nam bộ hiến tặng nhiều hiện vật về chủng loại gốm sứ, quý hiếm và tích cực hỗ trợ Bảo tàng Đồng Tháp trong việc tổ chức triển lãm giới thiệu đến công chúng tham quan.

Với kho hiện vật phong phú và sự chăm chút trong việc sưu tầm, chọn lọc và trưng bày, Bảo tàng Đồng Tháp đã làm sống lại các giá trị văn hóa lịch sử thông qua hiện vật. Đưa những tinh hoa của vùng miền, nhân loại đến với công chúng, giúp cho hiện vật trở nên hấp dẫn hơn, nghệ thuật hơn trong mắt người thưởng thức.

Ngọc Quyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn