Hồi ức Hà Nội

Cập nhật ngày: 19/12/2012 08:46:59

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, trong lĩnh vực sách đã có nhiều tác phẩm ra mắt bạn đọc (ảnh). Thông qua nhiều hướng tiếp cận khác nhau như hồi ức, chuyện kể, tiểu thuyết… các tác phẩm đã góp phần không nhỏ tái hiện lại một trong những chiến thắng vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.


“Thằng bé nói rất sớm, chín, mười tháng đã nói sõi. Ngoài từ bố mẹ thì từ đầu tiên nó biết là chạy. Mỗi khi nghe máy bay, Phong mới có 6 tuổi cứ bảo ú…ú, bắt chước tiếng máy bay rồi gọi: bố… mẹ… chạy… chạy” (bà Trịnh Thị Năng, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam). “Những ngày đầu tiên, mỗi khi nghe có còi báo động báo máy bay địch đến, mọi người đều lao xuống hầm, có vị nhảy vào chưa kịp đậy nắp, người khác nhảy vào tiếp, ngồi lên đầu nhau” (ông Đỗ Thọ, kỹ sư điện Bệnh viện Bạch Mai).

“Lúc bám theo mục tiêu phía trước, tôi căng thẳng chứ, vì mình đã từng làm B52 tắt đèn chạy mất. Lúc ấy, chỉ tập trung vào mục tiêu, ở dưới cứ nói chú ý bên phải địch, rồi thì chú ý bên phải địch, rồi thì chú ý núp bóng tên lửa, chú ý bật công tắc phóng hai quả… Mình chỉ bảo: “Nghe tốt, nghe tốt”, còn “nghe tốt” như thế nào thì cũng không để ý nữa…” (Phạm Tuân, phi công Mig 21).

Trên đây là một số trích đoạn trong cuốn sách Đối mặt với B52 - Hồi ức Hà Nội do NXB Trẻ xuất bản. Cuốn sách không đi vào hướng thuật lại một chiến thắng quân sự lừng lẫy, cũng không phải là một thiên hùng ca tuyên truyền… mà phản ánh chân dung một Hà Nội đối mặt với B52, những đau thương mất mát, những cách thích ứng linh hoạt đến khó tin của người Hà Nội… Trên những trang sách có sự góp mặt của 116 nhân chứng, người trẻ nhất sinh năm 1966, mới 6 tuổi vào cuối năm 1972 và nhân chứng nhiều tuổi nhất sinh năm 1910, khi đó đã 62 tuổi.

Trong phần lời nói đầu, cuốn sách đã trích lại một đoạn ngắn trong nhật ký của nữ diễn viên Jane Fonda kể về những ngày bà đến Hà Nội năm 1972 như một minh chứng sự bao dung của con người Việt Nam dù rằng trước đó khi đối diện kẻ thù họ vô cùng cương quyết: “…Phiên dịch trong ngày của tôi là cô Chi. Cô nói với các bác sĩ tôi là người Mỹ và câu giới thiệu này gây xôn xao chung quanh. Tôi tìm một biểu hiện hận thù trong mắt những người tôi thấy. Nhưng tuyệt nhiên không có gì. Những-ánh-mắt-không-hận-thù ấy ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt”.

Một tác phẩm nổi bật khác là cuốn Nhớ về Chiến thắng Hà Nội Điện Biên Phủ trên không năm 1972 mang tính sử liệu của NXB Tổng hợp TPHCM. Tác phẩm do Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH và NV TPHCM biên soạn, gồm 3 phần, phần đầu là những dự báo và lựa chọn, bối cảnh cũng như nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công của Mỹ trên bầu trời Hà Nội; phần hai miêu tả diễn biến cuộc chiến, đưa ra chi tiết các trận đánh chia lửa với Hà Nội ở các chiến trường, từ Nam bộ, Côn Đảo, đấu tranh ngoại giao… đồng thời xoáy sâu vào những vấn đề bên trong chính trường Mỹ, dư luận thế giới…; phần ba gồm nhiều bài viết về hệ quả của chiến dịch, từ thành công của ta cũng như thất bại của địch…

Riêng cuốn Xuyên mây của nhà văn Lê Thành Chơn do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành đã chuyển thành công những chi tiết có thật của lịch sử qua dạng văn học. Với tư cách là một người trực tiếp chiến đấu trong sự kiện Hà Nội 12 ngày đêm, nhà văn Lê Thành Chơn đã đi sâu vào những tình cảm cá nhân của những người lính bước vào cuộc chiến quan trọng. Không chỉ đơn thuần là chiến công, mất mát mà còn có cả tình yêu, tình đồng đội, những giận hời, yêu, ghét… Tác phẩm mang đến một cái nhìn đầy nhân văn hơn về những con người góp phần tạo nên một lịch sử vinh quang của dân tộc.

(Tường Vy-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn