GS.TS Võ Tòng Xuân nghiên cứu, tham quan nhà trưng bày nghệ thuật đờn ca tài tử của cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

Cập nhật ngày: 21/03/2021 16:33:31

ĐTO – Ngày 21/3, GS.TS Võ Tòng Xuân – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ; nguyên Hiệu trưởng các Trường Đại học như: Đại học Tân Tạo, Đại học An Giang, Đại học Nam Cần Thơ đến nghiên cứu thực tế, tham quan nhà trưng bày nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được đặt tại Bảo tàng Đồng Tháp (Phường 4, TP.Cao Lãnh).


GS.TS Võ Tòng Xuân nghiên cứu thực tế, tham quan nhà trưng bày nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

Cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19/8/1918 tại làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trong gia đình có truyền thống nho học và rất yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử. Do đó, cố nhạc sư có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc từ khá sớm, đến năm 12 tuổi, ông đã sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc như: đờn đoản, đờn kìm, đờn gáo… và nhiều nhạc cụ phương Tây như: Mandolin, Piano, Violon.

Với tinh thần cầu tiến, trong suốt hành trình rong ruổi âm nhạc, ông đã học hơn 200 thầy, cộng với năng khiếu thiên bẩm, ông đã tạo dựng cho mình lối đi riêng. Trong hành trình hơn 80 năm cống hiến cho âm nhạc truyền thống của dân tộc, cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nổi tiếng vì vừa là nghệ sĩ trình diễn, vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống ở trong nước và thỉnh giảng ở nước ngoài.


GS.TS Võ Tòng Xuân viết vào sổ lưu niệm tại
trưng bày nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

Cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là người hiếm hoi chơi được hầu hết các loại nhạc tài tử. Cố nhạc sư còn là người cao tuổi nhất dạy đờn trực tuyến qua mạng và sử dụng thành thạo nhiều loại ngôn ngữ như: Anh, Pháp, Hoa, Nhật....Đặc biệt, cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được biết đến khi góp công lớn vào việc cải biến đờn tranh từ 16 dây, lên 17 dây, 19 dây, rồi 21 dây có âm vực rộng hơn để dễ dàng xử lý làn hơi và điệu nhạc trong đờn ca tài tử Nam bộ mà không cần phải sử dây, kéo nhạn.

Trong sự nghiệp, cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý trong nước và quốc tế như: Giải thưởng Đào Tấn vì đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn, giảng dạy và phát huy nghệ thuật dân tộc; Huân chương Văn học nghệ thuật hạng sỹ quan của nhà nước Pháp; Chứng nhận kỷ lục Việt Nam là Nhạc sư cao tuổi nhất sử dụng Internet dạy âm nhạc cho học trò khắp nơi trên thế giới; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp quan trọng cho việc bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử Nam bộ và bản sắc văn hóa Việt Nam...


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu (bên trái) đón tiếp, trò chuyện với GS.TS Võ Tòng Xuân tại nhà riêng của cố nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo

Sau thời gian nghiên cứu, tham quan thực tế, GS.TS Võ Tòng Xuân đã viết vào sổ lưu niệm tại nhà trưng bày có nội dung như sau: “Xem xong phòng trưng bày công trình và sự nghiệp của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, tôi rất cảm phục một nhân tài âm nhạc Việt Nam sinh ra tại Đồng Tháp, đã làm rạng danh xứ sở quê hương. Tôi rất tâm đắc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và Nhà Bảo tàng Đồng Tháp đã sưu tập các di tích của Nhạc sư để cho hậu thế tham khảo, học hỏi và tự hào dân tộc Việt Nam xuất thân từ tỉnh Đồng Tháp”. Trước đó, GS.TS Võ Tòng Xuân cũng đến thăm, thắp hương tại nhà riêng của cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (Phường 4, TP.Cao Lãnh).

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn