Sách về nghề báo

Cập nhật ngày: 23/06/2015 04:21:45

Người làm báo cũng được xem là người cầm bút, có lẽ vì vậy mỗi năm đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam bạn đọc lại có dịp đọc những cuốn sách về nghề báo, có cuốn do người khác viết về nghề báo, có cuốn do chính nhà báo viết. Năm nay sách về báo chí có một sự phân chia khá rõ nét, phản ảnh những trăn trở, thay đổi của nghề báo hôm nay.

Nghề báo, nhà báo ngày xưa

Có nhan đề mà bất cứ ai lần đầu nhìn thấy cũng có cảm giác “khó chịu”: Báo Quấc ngữ Sài Gòn thế kỷ 19 là công trình khảo luận của nhà báo Trần Nhật Vy. Theo tác giả, chữ “Quấc” ở đây là cách gọi chữ “Quốc” ngày đó, có nguồn gốc từ phiên âm tiếng Nôm. Khảo luận của tác giả dựa trên 4 tờ báo được đánh giá là đi đầu làng báo khi đó là Gia Định báo, Thông loại khóa trình, Nam Kỳ nhựt trình, Phan Yên Báo. Cả 4 tờ báo này đều đánh dấu sự nỗ lực của các bậc tiền nhân khi định hình một nền báo chí bản địa giữa lòng thực dân. Xuyên suốt tập sách là những kiến giải, phân tích, nghi vấn, giải đáp của tác giả như việc tờ Thông loại khóa trình có cấu trúc, tôn chỉ, mục đích rất giống các tờ báo hiện đại.

Nếu tác phẩm của tác giả Trần Nhật Vy phản ánh thời kỳ mở đầu của báo chí Việt Nam thì Làng báo Sài Gòn 1916 - 1930 lại phản ảnh sự hình thành và phát triển của báo chí Sài Gòn trong một giai đoạn được đánh giá là rất đặc thù, khi các phong trào cách mạng trong nước thoái trào, thế giới thì đang tạm hòa hoãn giữa hai cuộc thế chiến. Chính vì thế, báo chí giai đoạn này cũng có những nét đặc trưng khác hẳn trước và sau đó. Tác phẩm là một luận án tiến sĩ của tác giả Philippe M.F.Peycam, đánh giá về tác phẩm này, Tiến sĩ Sophie Quinn-Judge, Phó Giám đốc Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam của Đại học Temple (Mỹ) cho rằng: “Công trình của Philippe M.F.Peycam tạo ra một đóng góp độc đáo vào lịch sử đương đại và các nghiên cứu về thuộc địa. Cho đến nay, chưa có công trình nào như vậy bằng tiếng Anh… Khắc họa của ông về một trung tâm xuất nhập khẩu chủ chốt ở Đông Dương thuộc Pháp đang thay đổi nhanh chóng. Nhấn mạnh bản chất lai tạp của nền chính trị ở Sài Gòn bằng tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn”.

Nếu hai tác phẩm trên tập trung vào một thời kỳ lịch sử cụ thể thì Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn cũng viết về lịch sử nhưng là một lịch sử trải dài suốt từ cuối thế kỷ 19 cho đến 30/4/1975. Tác phẩm là công trình của nhiều tác giả, được thể hiện dưới dạng ký sự báo chí về những ngày tháng đấu tranh trực diện chống kẻ thù bằng ngòi bút. Tác phẩm chứa đựng nhiều thông tin, chi tiết độc đáo về cuộc đấu tranh này như báo cáo của Thanh tra Thuộc địa ngày 3/3/1898 sau khi đóng cửa tờ Phan Yên Báo: “Họ (nhà báo) tấn công các quan lại và không kính nể mấy chánh quyền Pháp mà họ đã cố tình bêu xấu trước mắt người dân bản xứ…”.

Nghề báo, nhà báo ngày mai

Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí của tác giả Mitchell Stephens là một nghiên cứu độc đáo, đôi khi có tính phê phán về báo chí đương đại, cả báo chí mạng lẫn báo chí giấy truyền thống. Tác phẩm mở đầu với một câu hỏi lớn rằng chỉ chưa tới 10 năm, báo chí thế giới đã có một sự thay đổi triệt để do ảnh hưởng của sự bùng nổ thông tin mạng. Chuyện gì sẽ xảy ra cho báo giấy khi mà một sự kiện còn chưa kịp kết thúc mà mọi thông tin, hình ảnh về sự kiện đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới qua internet. Điều gì sẽ xảy ra khi nhà báo bây giờ có thể là bất cứ ai, không cần đòi hỏi phương tiện chuyên môn hay trình độ đặc thù. Tác phẩm đặt ra một câu hỏi phải chăng báo chí truyền thống đang đứng trước thời khắc báo tử mà biểu hiện cụ thể là những tờ báo lớn, một thời là biểu tượng truyền thông thế giới nay phải cắt giảm hàng loạt nhân sự.

Và ở đây, những tác giả cho rằng vấn đề của các tờ báo truyền thống hiện nay là sai lầm trong phương pháp khi họ cố tìm cách chạy đua với thông tin mạng, một cuộc đua không có khả năng chiến thắng do khác biệt về hình thức chuyển tải thông tin. Theo nhóm tác giả, bổ sung cho những nhược điểm của truyền thông mạng mới là hướng đi đúng đắn của báo chí truyền thống hiện nay.

Không phải ngẫu nhiên, cuốn sách Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí lại được coi là điểm nhấn chính của chùm sách Ngày Báo chí Cách mạng năm nay. Những câu chuyện trong sách cũng đang diễn ra ở Việt Nam, đặt báo chí trong nước vào một thời kỳ mới. Một thời kỳ mà truyền thông mạng bùng nổ nhưng rối ren, còn báo chí truyền thống thì bối rối. Chính vì thế, tác phẩm được xem là một tài liệu quan trọng để những người làm công tác quản lý báo chí có thể hình dung con đường của báo chí Việt Nam trong tương lai.

Tường Vy (VnExpress)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn