Vi phạm bản quyền - vết dầu loang nguy hiểm!

Cập nhật ngày: 19/08/2012 08:06:46

Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Berne được gần 8 năm, những tưởng với ngần ấy thời gian, thói quen tôn trọng bản quyền ít nhiều được xác lập. Đáng tiếc, trên thực tế việc tôn trọng quyền tác giả thời gian gần đây lại có chiều hướng ngày càng xấu đi với những vụ vi phạm ngày càng công khai, trắng trợn!


So sánh bìa sách gốc và bìa sách vi phạm bản quyền
đang bán tại các nhà sách

Tố cáo vi phạm khắp nơi

Vừa qua, Công ty cổ phần Văn hóa Đông A (Đông A Book) đã gửi đơn tố cáo khắp nơi về việc Công ty sách Đinh Tị vi phạm bản quyền bộ sách 1.000 trò chơi tư duy phát triển trí tuệ do Đông A mua từ cách đây hơn 1 năm.

Theo đơn tố cáo này, không chỉ vi phạm bản quyền mà sách còn trở thành một thảm họa dịch thuật với những lỗi lầm vô cùng ngớ ngẩn, nhất là đối với một cuốn sách mang tính khoa học. Hàng loạt ví dụ được nêu ra như thuật ngữ “đa giác nội tiếp” lại được dịch thành “hình đa giác khảm bọc”; “hình học phi Euclid” thành “hình học Âu-Phi”; “hình elip” thành “hình bầu dục”; “đồ thị hai hướng” thành “tranh nhị bộ”; “đồ thị” thành “luận đồ”; “hình chữ nhật có tỷ lệ vàng” dịch thành “hình chữ nhật bằng vàng”, “ma phương” thành “hình vuông ảo”… Giá trị cuốn sách vì thế bị hạ thấp trong lòng bạn đọc và dĩ nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến việc ra mắt cuốn sách có bản quyền thực sự trong thời gian tới của Đông A. Và, nghiêm trọng hơn là nó công khai phổ biến kiến thức sai lệch.

Trước đó, Công ty Sách Phương Nam (Phương Nam Book) cũng tố cáo Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn trụ sở chính tại 104-106/P204 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM do ông Lương Vĩnh Kim làm giám đốc đã vi phạm bản quyền liên tục trong thời gian dài sách do Phương Nam Book sở hữu bản quyền mà tiêu biểu là trường hợp bản dịch của GS-Dịch giả Cao Xuân Hạo với các tác phẩm nổi tiếng như Papillon-Người tù khổ sai, Đèn không hắt bóng…

Và đỉnh điểm của việc kiện tụng vi phạm bản quyền là chỉ vài ngày trước, đến lượt chính Đinh Tị cũng tuyên bố sẽ khởi kiện ngược lại Đông A vì tội vi phạm bản quyền 2 cuốn sách của Đinh Tị là Sức sống của rừng xanh và Thảo nguyên kỳ diệu. Phía Đông A cho rằng đây chỉ là trò đánh lạc hướng dư luận vì việc vi phạm này diễn ra từ năm 2007, sao lúc đó không kiện mà để tận 5 năm sau, đúng khi bị kiện mới kiện lại! Tuy nhiên vấn đề ở đây không phải là kiện qua kiện lại mà vụ nào cũng phải xử lý theo luật định.

Cãi chày cãi cối

Một điều đáng chú ý là tình trạng phớt lờ việc vi phạm bản quyền đang ở mức báo động.

Chẳng hạn như lý giải kỳ lạ của Trường Anh văn Hội Việt Úc khi bị kiện bán sách dạy ngoại ngữ vi phạm bản quyền. Theo đại diện trường thì hành vi vi phạm là từ đời chủ trước, chủ mới cứ thế làm theo mà không biết mình đang làm sai.

Phức tạp hơn là trường hợp Đinh Tị, theo đại diện đơn vị này cho biết, cuốn sách vi phạm là do họ mua của một cá nhân nhưng khi mua lại “quên” kiểm tra xem bản thân cá nhân này có quyền sở hữu cuốn sách hay không. Thậm chí, Đinh Tị còn cả tin đến nỗi “quên” luôn kiểm tra nội dung sách, mua xong bản thảo là mang thẳng đến nhà in luôn. Không những thế, dù không nói ra nhưng có lẽ Đinh Tị chắc cũng quên luôn đọc lại sách của chính đơn vị thực hiện vì những lỗi sai như đã nói ở trên rất cơ bản, không phải là những khái niệm cao siêu gì. Điều này có vẻ mang màu sắc làm ăn chụp giựt cho nhanh, còn bất kể hậu quả nguy hại là gì…

Thế nhưng, đỉnh cao của việc cãi chày cãi cối có thể kể đến giám đốc Công ty TNHH Sách Sài Gòn. Trong công văn gửi đến Công ty Sách Phương Nam, thay vì tỏ thái độ hối tiếc về vi phạm của mình, ông giám đốc này lại đá câu chuyện qua tới tận thời kháng chiến, bao cấp và cho rằng các dịch giả thời đó lĩnh lương đơn vị mình nên bản dịch của họ phải thuộc về đơn vị mà họ nhận lương nên giờ không có quyền đòi hỏi. Cái kiểu lý sự này thể hiện rõ thái độ vô trách nhiệm, chống chế cho qua chuyện.

Kiện đến cùng

Đó là lời khẳng định, là ý chí của những đơn vị đang bị vi phạm bản quyền. Đây được xem là một nét khá mới vì trước đây, trong nhiều vụ tranh chấp bản quyền, biện pháp thường được sử dụng chỉ là thương lượng giữa các bên.

Ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Đông A Book khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm đến cùng vụ này và hiện nay luật sư của chúng tôi đang làm việc với bên Đinh Tị”. Đại diện Phương Nam thì cho biết họ đã thuê luật sư để xử lý rốt ráo vụ kiện với Công ty TNHH Sách Sài Gòn. Có lẽ, từ thành công cả về mặt kinh tế lẫn tinh thần của vụ Công ty Trí Việt (First News) khởi kiện một số trường ngoại ngữ tại TPHCM đã mang lại động lực cho những đơn vị trên trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế là luật xuất bản hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm bản quyền. Chính vì thế tình trạng ăn cắp bản quyền, cãi chày cãi chối khi bị phát hiện mới ngang nhiên diễn ra. Quốc hội đang thảo luận về Luật Xuất bản mới và toàn ngành xuất bản đang trông chờ luật mới đủ uy lực loại trừ tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản hiện nay và sắp tới.

ĐH (Theo Tường Vy-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn