Xuất bản điện tử - Lúng túng!

Cập nhật ngày: 28/08/2012 06:05:38

Bản dự thảo mới nhất của Luật Xuất bản sửa đổi có một thay đổi lớn. Từ chỉ một điều của luật cũ (điều 25), dự thảo luật mới đã dành hẳn 1 chương (chương 5) với 11 điều để quy định các hoạt động của xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử (XBPĐT). Thế nhưng, mọi việc không đơn giản khi có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này...


Hướng dẫn khách sử dụng máy đọc sách tại nhà sách
Phương Nam Ebook

Chưa sát thực tế

Một trong những vấn đề đầu tiên nảy sinh nằm ở ngay định nghĩa thế nào là XBPĐT. Theo định nghĩa trong dự thảo thì đó là xuất bản phẩm được đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử. Cách định nghĩa này được góp ý là chưa bao quát, vì có nhiều trường hợp có thể đọc xuất bản phẩm qua phương tiện điện tử nhưng chẳng liên quan gì đến XBPĐT như ở một số thư viện lớn trên thế giới cho bạn đọc tham khảo qua một số sách lưu trữ bằng cách chụp hình lại bìa, các trang…

Hình ảnh đó cũng được nhìn qua phương tiện điện tử nhưng đó không phải là XBPĐT mà thực chất vẫn là sách in truyền thống. Nếu không có định nghĩa chính xác rất khó để luật thực thi đầy đủ. Hơn nữa, tuy dùng từ XBPĐT nhưng trong luật chủ yếu đề cập đến sách điện tử (ebook), còn nhiều XBPĐT khác lại rất mờ nhạt, tiêu biểu như lịch điện tử hầu như không nhắc đến dù đây là một XBPĐT rất phổ biến hiện nay.

Ngoài ra, dự thảo luật có quy định về 2 loại XBPĐT: loại được số hóa từ các sản phẩm đã được xuất bản, in và phát hành hợp pháp; loại thứ hai là xuất bản lần đầu hoàn toàn theo phương pháp xuất bản điện tử. Thế nhưng, theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, còn một hướng khác là in sách giấy từ XBPĐT theo nhu cầu của bạn đọc vẫn chưa được đề cập đến.

Ông Vũ Ngọc Hoan, Cục Bản quyền nêu vấn đề bản quyền phức tạp hơn so với sách truyền thống vì sách điện tử có thể tích hợp âm thanh, bài hát, hình ảnh động…

Một vấn đề khác là quảng cáo, theo dự thảo luật thì quảng cáo trên XBPĐT cũng giống trước đây với sách in truyền thống. Tuy nhiên, do đặc thù nên NXB Trẻ đề xuất sách không bán mà thu phí qua quảng cáo trên thiết bị đọc sách. Đây là một hình thức kinh doanh XBPĐT quen thuộc trên thế giới như trường hợp nhà phát hành ebook lớn Amazon.com cung cấp các máy đọc ebook kindle giá rẻ, tặng kèm sách miễn phí với điều kiện mỗi khi tắt mở máy khách hàng phải xem một số thông tin quảng cáo.

Ebook lên ngôi

Xuất bản điện tử có tốc độ phát triển cực kỳ nhanh chóng, chỉ 2 - 3 năm trước đây ebook còn được xem là một phương thức đọc chỉ dành riêng cho người thích công nghệ thì hiện nay, trên thế giới ebook đã vượt xa sách in cả về doanh thu lẫn số bản. Thậm chí, theo dự báo trong khoảng 10 năm tới, sách in sẽ giảm chỉ còn bằng 50% hiện nay và thay vào đó là ebook. Ebook cũng được xem là cứu cánh của văn hóa đọc khi lượng trẻ em nhờ có ebook quay lại đọc sách tăng cao do nó có nhiều tính năng hấp dẫn, thuận tiện như âm thanh, hình ảnh, tính tương tác với mạng.

Chính vì thế, việc Luật Xuất bản sửa đổi dành vị trí ưu tiên cho xuất bản và phát hành XBPĐT là điều dễ hiểu. Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đơn vị thực hiện dự thảo Luật Xuất bản cũng thừa nhận việc đang phải vất vả xây dựng mô hình cho xuất bản điện tử, từ xuất bản, phát hành đến bản quyền, tiêu chuẩn kỹ thuật…

Tuy nhiên, dù sao dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi cũng cho thấy đã bắt đầu hình thành một hành lang pháp lý cho hoạt động của xuất bản điện tử, vốn được xem là tương lai phát triển tất yếu của ngành xuất bản.

ĐH (Theo Tường Vy­-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn