Bảo hiểm xã hội Đồng Tháp

20 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật ngày: 19/01/2015 13:25:49

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đồng Tháp, được thành lập theo Quyết định số 45/QĐ-TCCB ngày 20/7/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chính thức hoạt động từ 1/9/1995. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, BHXH tỉnh không ngừng nỗ lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và đạt những thành tựu rất đáng khích lệ.


Các cá nhân và đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng
và phát triển Bảo hiểm xã hội Đồng Tháp

Nhiều năm qua, BHXH tỉnh không chỉ triển khai thực hiện hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, mà còn thông qua các hoạt động dân cử đóng góp với Quốc hội sửa đổi các nội dung chưa phù hợp để Luật BHXH, Luật BHYT thiết thực với đời sống người dân, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội hiện nay.

Sau 20 năm hoạt động, hệ thống BHXH tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện các chế độ, chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT.

Cụ thể, trong năm đầu tiên (năm 1995), tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh chỉ hơn 100 ngàn người, đến năm 2014 con số này lên đến gần 1 triệu người tham gia với số thu trên 1.570 tỷ đồng. Số tiền chi trả các chế độ BHXH tăng dần, năm 2014 là 518 tỷ đồng, tăng 43,8 lần so với năm 1995; chi BHYT là 590,7 tỷ đồng tăng 199,56 lần so với năm 1995.

Hiện toàn tỉnh có 173 cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT, năm 2014 có 3,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên tại các trường học từ nguồn quỹ BHYT đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của ngành giáo dục. Số tiền chi cho y tế trường học bình quân 8 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về BHXH, BHYT sửa đổi, bổ sung mới khắc phục một phần những bất cập; ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Vì vậy, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT gặp nhiều khó khăn; nhiệm vụ của ngành ngày càng mở rộng hơn, do đó ngành phải đối mặt với nhiều thách thức.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển của BHXH Việt Nam giao; Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch UBND tỉnh. BHXH tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện từ nay đến năm 2020 là tập trung đổi mới công tác tuyên truyền đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhằm ổn định đời sống vật chất, tinh thần của người tham gia BHXH, BHYT, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội tại địa phương, thực hiện đạt các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động phi nông nghiệp tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 90% dân số tham gia BHYT.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn