Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Bảo hộ lao động Đồng Tháp:

28 năm - một chặng đường phát triển

Cập nhật ngày: 12/11/2020 05:55:21

Ngày 8/12/2020 tới đây là tròn 28 năm thành lập Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Bảo hộ lao động Đồng Tháp (gọi tắt là Trung tâm), thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. 28 năm qua, với sự nỗ lực của cán bộ, viên chức đơn vị đã xây dựng Trung tâm ngày càng phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập Trung tâm, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bình Phong - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Bảo hộ lao động Đồng Tháp để tìm hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của đơn vị.


Ông Nguyễn Bình Phong - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Bảo hộ lao động Đồng Tháp

* PV: Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Bảo hộ lao động Đồng Tháp được hình thành?

- Ông Nguyễn Bình Phong: Khi Pháp lệnh Bảo hộ Lao động ra đời năm 1991, LĐLĐ tỉnh nhận thấy công tác bảo hộ lao động là công tác mang tầm chiến lược, lâu dài. Việc đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động là nhu cầu rất thiết thực để người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. LĐLĐ tỉnh đã thực hiện các thủ tục, hồ sơ cần thiết, đề nghị và được UBND tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định số 129/QĐ-TL ngày 8/12/1992 về việc thành lập Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Bảo hộ lao động Đồng Tháp.

* PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động của Trung tâm suốt 28 năm qua?

- Ông Nguyễn Bình Phong: Từ ngày thành lập đến nay, đơn vị đã thực hiện và hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, nổi bật là thường xuyên thực hiện những chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, giảm chi phí huấn luyện, chi phí kiểm tra đo đạc điện trở chống sét, an toàn điện. Xây dựng chương trình giảm giá bán các mặt hàng bảo hộ lao động, phòng cháy, chữa cháy,... để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đại dịch hoành hành. Tổ chức hơn 500 lớp với hơn 80.000 lượt học viên tham gia huấn luyện và in trên 60.000 quyển giáo trình huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện đo, kiểm tra an toàn điện, chống sét cho hơn 300 lượt đơn vị với hàng chục ngàn máy móc, thiết bị sử dụng điện, góp phần đảm bảo an toàn điện, chống sét cho không ít đơn vị trong tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, gần đây, Trung tâm sửa chữa, cải tiến lại không gian cửa hàng cung cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy. Qua đó, đã thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên nghiên cứu thị trường, tìm kiếm các mặt hàng mới, các mặt hàng có tính năng bảo vệ tốt cho người lao động trong quá trình sử dụng, các mặt hàng đa dạng, giá cả hợp lý; thường xuyên giới thiệu với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh những mặt hàng hiện có để doanh nghiệp có sự lựa chọn các phương tiện, dụng cụ phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

* PV: Những khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động của Trung tâm là gì thưa ông?

- Ông Nguyễn Bình Phong: Công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm tra đo đạc chống sét, an toàn điện, môi trường lao động phụ thuộc vào điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên đôi khi doanh nghiệp không thực hiện huấn luyện, đo đạc định kỳ hàng năm. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Do cơ chế thị trường hiện nay, việc thực hiện các mặt hoạt động như huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiểm tra đo đạc điện trở tiếp địa chống sét, điện trở nối đất, nối trung tính các thiết bị sử dụng điện và dịch vụ bán hàng bảo hộ lao động có sự cạnh tranh mạnh mẽ với các đơn vị, cơ sở trong và ngoài tỉnh.

* PV: Xin ông cho biết những định hướng để nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới?

- Ông Nguyễn Bình Phong: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động là nhiệm vụ quan trọng, vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, đơn vị sẽ chú trọng tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thông báo mở lớp huấn luyện đến các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội của công đoàn; tiếp tục nâng cao giá trị xây dựng hình ảnh cửa hàng phục vụ sản phẩm bảo hộ lao động với cung cách phục nhanh chóng, mới mẻ, kịp thời, đảm bảo sự tin cậy, hài lòng với giá cả cạnh tranh khi tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

Tranh thủ các mối liên hệ với cơ quan, ban, ngành chức năng trong tỉnh để giữ vững mối liên kết chặt chẽ trong các mặt hoạt động. Đổi mới công tác tổ chức huấn luyện, trong quá trình huấn luyện phải sinh động, tạo điều kiện cho người được huấn luyện tiếp thu kiến thức dễ dàng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức huấn luyện được tốt hơn, hạn chế đến mức thấp nhất tại nạn lao lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, tận tâm phục vụ, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm sẽ luôn cố gắng phát huy những kết quả đạt được, đưa Trung tâm ngày một phát triển hơn trong thời gian tới.

* PV: Xin cảm ơn ông!

LƯU HÙNG (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn