Lai Vung

Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật ngày: 20/04/2015 14:06:23

Theo thống kê, cuối năm 2014, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của huyện Lai Vung ở mức 115 trẻ em nam/100 trẻ em nữ, nhưng đến quí I năm 2015, con số này đã tăng lên 135 trẻ em nam/100 trẻ em nữ.

Tuyên truyền về công tác dân số -  kế hoạch hóa gia đình tại huyện Lai Vung

Trong đó, 8 xã có tỷ số giới tính khi sinh cao là xã Tân Dương 350/100; Long Hậu 340/100; Tân Phước 114/100; Tân Hòa 133/100; Phong Hòa 140/100, Long Thắng 175/100, Hòa Long 150/100, Hòa Thành 267/100.

Ông Lê Văn Kha - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Lai Vung cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính đã xảy ra ở huyện 2 năm gần đây nhưng không quá cao. Riêng những tháng đầu năm 2015 này, tình trạng này đã đến mức báo động và nếu vẫn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, thì sẽ tác động lớn đến kết cấu dân số trong tương lai, dẫn đến nhiều hệ luỵ về mặt xã hội, an ninh, tệ nạn xã hội... Nguyên nhân mất cân bằng giới tính chủ yếu là do quan niệm “trọng nam khinh nữ” trong người dân vẫn còn rất phổ biến; nhiều gia đình vẫn duy trì tư tưởng bảo thủ, cần có con trai để thờ tự và làm công việc nặng nhọc, cũng như chăm sóc khi tuổi già. Một số gia đình khá giả muốn có nhiều con cho vui nhà vui cửa...

Tìm hiểu thực trạng này tại xã Tân Dương, huyện Lai Vung, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thu Ba - cán bộ chuyên trách DS- KHHGĐ xã cho biết, hiện nay tỷ số giới tính khi sinh của xã rất cao: 350 nam/100 nữ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn chưa xác định được hết, nhưng tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường cũng là một nguyên nhân. Mặc dù công tác vận động, tuyên truyền về giới tính khi sinh, hậu quả của việc thừa nam thiếu nữ được địa phương thực hiện thường xuyên nhưng vẫn chưa thay đổi được quan niệm của người dân. Chị Nguyễn Thị Thu Ba chia sẻ: “Khâu tuyên truyền ở địa phương được thực hiện khá thường xuyên, tổ chức tuyên truyền đến tận hộ để tư vấn, giải thích cho người dân hiểu, nhưng còn nhiều người không thực hiện. Thời gian tới, xã sẽ hết hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động người dân bỏ quan niệm “trọng nam khinh nữ”, vận động dù trai hay gái chỉ hai là đủ.

Cũng như xã Tân Dương, xã Long Hậu, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang ở mức cao với 340 nam/ 100 nữ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo chị Lê Thị Đào - cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Long Hậu thì vẫn không thể xác định được! Công tác truyền thông về mất cân bằng giới tính của địa phương được thực hiện khá thường xuyên và hầu như mọi lúc có thể. Lúc thì truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội, sinh hoạt nhóm, vãng gia; lúc thì tư vấn trực tiếp khi các chị khám thai, khám bệnh hay tiêm chủng tại trạm y tế...

Theo ngành chuyên môn, tỷ số giới tính khi sinh được xem là bình thường khi số bé trai/100 bé gái dao động từ 103- 107. Tính trung bình trong quý I/ 2015, toàn huyện Lai Vung con số này đã là 135 nam/100 nữ. Do đó, đòi hỏi ngành chuyên môn cần có những giải pháp can thiệp kịp thời. Nếu không sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai như: sự bùng phát nạn buôn người, các tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự, nguy cơ về suy kiệt giống nòi và đạo đức xã hội...

Để từng bước kéo giảm tinh trạng chênh lệch giới tính khi sinh, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lai Vung đang xây dựng kế hoạch truyền thông tại các xã có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn mức bình thường. Trong quý 2 và quý 3, cán bộ Trung tâm và cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên 12 xã, thị trấn sẽ tiến hành truyền thông nhóm trên 850 cuộc. Qua đó, cung cấp thông tin, truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân và những người cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, phòng khám phụ sản nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giới tính khi sinh, hậu quả của việc thừa nam thiếu nữ.

Ông Lê Văn Kha - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lai Vung cho biết giải pháp của ngành trong thời gian tới là tăng cường công tác truyền thông với mọi hình thức về bình đẳng giới, hậu quả của việc mất căn bằng giới tính khi sinh; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế liên quan đến việc khám, chẩn đoán, xử lý các thủ thuật về thai sản liên quan tới việc lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm việc lựa chọn giới tính thai nhi...

Bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng trong việc can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, mọi người dân cũng cần thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, không lựa chọn giới tính thai nhi, sinh con theo quy luật tự nhiên và nên có 2 con để chăm sóc và nuôi dạy cho tốt.

Phúc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn