Bệnh tay chân miệng vào giai đoạn cao điểm

Cập nhật ngày: 14/05/2014 12:30:34

Tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh hiện nay nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế tỉnh. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết,... đang có số mắc cao, riêng bệnh TCM có khoảng 70 đến 90 trường hợp mắc mỗi tuần. Theo tiến sĩ Võ Anh Hổ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh, bệnh TCM bắt đầu vào giai đoạn cao điểm.


Điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa
Đồng Tháp (ảnh tư liệu)

Cần phòng ngừa bệnh kịp thời

Từ đầu năm 2014 đến ngày 4/5, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh ghi nhận 1.317 trường hợp trẻ mắc bệnh TCM trong tỉnh, không có trường hợp tử vong, giảm trên 22% (khoảng 400 ca) so với cùng kỳ 2013. Tất cả huyện, thị, thành trong tỉnh đều có người mắc TCM.

Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm, mọi người ai cũng có thể mắc phải, tuy nhiên bệnh chủ yếu tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt xuất hiện nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có rải rác quanh năm nhưng có khuynh hướng tăng cao vào những tháng trước và trong mùa hè. Bác sĩ Huỳnh Hồng Phúc - Trưởng Khoa Hồi sức nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết, tình hình dịch tuy không đột biến nhưng số mắc cao, do đó, vấn đề nỗ lực phòng bệnh là hết sức quan trọng, nhất là làm sao cách ly được trẻ để tránh lây lan, thời gian cách ly là 10 ngày. Đặc điểm của bệnh TCM là khi mắc bệnh rồi thì có thể mắc lại, bởi bệnh không miễn dịch lâu dài như bệnh sởi và một số bệnh khác, chính vì vậy sự tự giác cách ly trở thành ý thức cộng đồng thì mới có khả năng giảm bớt được tình trạng TCM, do bệnh này chưa có vắc xin phòng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn - Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng Đồng Tháp cho biết, bệnh TCM lây lan theo đường tiêu hóa, nguồn lây quan trọng được biết hiện nay là do người lớn mang vi rút ở ngoài về lây cho trẻ em ở nhà mình. Do đó, mọi người cần phải đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay thường xuyên bằng xà bông, đặc biệt là rửa tay cho người chăm sóc trẻ, rửa tay cho trẻ mỗi ngày nhiều lần, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ và cho trẻ ăn. Ngoài ra, mọi người cần sát trùng sàn nhà, bàn ghế, dụng cụ, đồ chơi của trẻ, những thứ mà bàn tay của trẻ có thể sờ mó tới; thường xuyên rửa tay bằng xà bông cho trẻ để trẻ không đưa bàn tay bẩn có nguy cơ mang vi rút lên miệng, mũi. Mọi người cần lưu ý là khi đi sinh hoạt ở cộng đồng về nhà hãy cảnh giác coi chừng mình đang “mang vi rút về cho trẻ”, vậy hãy tắm rửa sạch sẽ bằng xà bông, thay quần áo sạch trước khi nựng nịu, chăm sóc trẻ.

Sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu nghi ngờ TCM

Khi phát hiện trẻ có sốt, đau họng, nổi mụn nước, loét lòng bàn tay, bàn chân,... nghi bệnh TCM, tiến sĩ Ấn khuyên phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế, tùy tình hình bệnh của trẻ để bác sĩ sẽ cho nhập viện hoặc cho điều trị tại nhà. Theo bác sĩ Huỳnh Hồng Phúc, bệnh TCM cũng có những biến chứng nguy hiểm. Khi thấy trẻ sốt cao, khó hạ, có những dấu hiệu của bệnh TCM thì nhiều khả năng trẻ có biến chứng, do đó cần phát hiện sớm, cách ly để tránh lây lan, đồng thời bé được theo dõi để bác sĩ tìm ra biến chứng. Người mắc bệnh TCM chủ yếu bị biến chứng trên hệ thần kinh, hô hấp và tim mạch. Biến chứng trên hệ thần kinh gây tình trạng viêm não, màng não, diễn tiến nhanh dẫn đến tử vong trong vòng 24 đến 48 giờ kể từ khi bắt đầu biến chứng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, bệnh TCM là một trong các bệnh trọng điểm phải phòng, chống của tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch, xử lý triệt để từng ổ dịch, cố gắng khống chế không để bùng phát dịch lớn. Sở Y tế cho rằng, dù tình hình dịch bệnh từ nay đến cuối năm sẽ không diễn biến phức tạp và nằm trong khả năng phòng, chống dịch theo kế hoạch của tỉnh đã đề ra nhưng mọi người không được chủ quan vì hiện vẫn còn những dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ngành y tế đang chủ trương tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe để người dân nắm bắt được tình hình những dịch bệnh kịp thời, nắm các phương pháp phòng, chống và phát hiện những triệu chứng để đến các cơ sở y tế sớm. Ngành y tế cũng tổ chức giám sát dịch để phát hiện sớm, tổ chức phòng, chống dịch kịp thời không để dịch lan rộng; tổ chức tập huấn các phát đồ điều trị, phân tuyến điều trị để công tác điều trị có hiệu quả.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn