Hệ lụy từ việc trẻ bỏ nhà đi
Cập nhật ngày: 12/05/2014 04:14:00
Buồn chuyện gia đình, bị dụ dỗ,... nhiều em đã bỏ nhà đi. Có em đi một thời gian rồi về nhà, nhưng cũng có em bặt vô âm tín, khiến người thân hàng ngày không khỏi xốn xang, lo lắng.
Một buổi tư vấn cho trẻ nhận biết nguy cơ xâm hại, dụ dỗ
Nhiều trẻ bỏ nhà đi
C.T. và N.T. là bạn thân cùng tuổi nhau, ngụ xã Bình Thành, huyện Lấp Vò. 1 trong 2 em tình cờ nhận được số điện thoại lạ gọi đến, dù biết nhầm máy nhưng người thanh niên đầu dây bên kia ngỏ ý làm quen, mời đi uống nước. C.T. rủ N.T. đi cùng. Tuy nhiên, người thanh niên không dẫn 2 em đến quán giải khát mà đến quán rượu để ngồi cùng một số thanh niên khác. Cả 2 em không nhậu, đòi về nhà nhưng nhóm thanh niên tìm mọi cách giữ các em lại.
Do trước giờ được ba mẹ quản lý chặt, không đi chơi khuya nên khi trời tối, cả 2 lo lắng đòi về nhà, thế nhưng các đối tượng hù dọa nói lỡ chơi tối quá về ba mẹ sẽ la, 2 em nghe nói vậy thì rất lo sợ. Lúc này nhóm thanh niên thuê nhà trọ cho 2 em ở, đến sáng các em nói muốn về nhà nhưng nhóm này tiếp tục “đánh tâm lý”: “Hồi tối đi không về mà đến sáng mới về chắc chắn sẽ có chuyện xảy ra, ba mẹ không tha đâu” và xúi 2 em bỏ nhà đi tìm việc làm.
Khi lên TP.HCM, nhóm thanh niên đưa vào làm quán nước, chủ quán yêu cầu mặc quần áo “mát mẻ”, 2 em không đồng ý. Sau đó, 2 em được đưa vào ở tại khách sạn. Nhận thấy thái độ và cách nói chuyện của một nhóm người trong khách sạn có dấu hiệu mua bán người, các em đã tìm cách trốn về nhà.
Ngoài bị dụ dỗ bỏ nhà đi, cũng có không ít trường hợp các trẻ tự ý bỏ đi theo bạn tình mới quen khiến người nhà các em không khỏi lo lắng. T. (SN 1999) ngụ xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, là nữ sinh lớp 9 có học lực hàng tháng khá, giỏi. Sau khi làm quen với 1 bạn nam trên facebook, T. đã bỏ nhà đi suốt 3 tháng nay. Gia cảnh khó khăn nhưng cha T. vẫn dành nhiều thời gian đi tìm em, đến nay vẫn chưa tìm được. Ngoài ra, cũng có trường hợp trẻ bỏ đi không rõ nguyên nhân. Mới đây, tại phường 3, TP.Cao Lãnh 1 trẻ bị nghiện game online đã tự ý bỏ nhà đi nhưng gia đình không biết nguyên do.
Bà Lê Thị Phiến - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em tỉnh cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 13 trường hợp trẻ dưới 18 tuổi bỏ nhà đi (chỉ có 1 nam) Trung tâm đã tiếp cận tư vấn được 11 trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi. Trong số 11 trường hợp này, đến nay đã có 3 em trở về và đi học lại, 3 em nghỉ học, 1 em quay về rồi tiếp tục bỏ đi, 4 em chưa trở về, gia đình chưa có thông tin về các em và đang tìm kiếm.
Theo bà Phiến, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em bỏ nhà đi như: buồn chuyện gia đình nên tự ý bỏ học, bỏ nhà theo bạn đi chơi; thiếu kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ nên dễ nghe lời dụ dỗ, xúi giục của bạn bè, ngay cả những người các em mới quen biết lần đầu tiên; hoàn cảnh gia đình các em khó khăn, thiếu thốn trong khi các em bắt đầu lớn, cần có nhu cầu được ăn, mặc, muốn giúp đỡ cha mẹ nên khi có người dụ dỗ đi làm ăn, kiếm việc làm thì các em trốn nhà, tự ý bỏ học để đi làm; có những trẻ sống trong gia đình có ba mẹ bất hòa, ly hôn, các em không được dạy dỗ và tâm lý bất cần, chán nản nên tự ý bỏ nhà đi,...
Gia đình cần có những biện pháp phù hợp
Tham gia tư vấn cho nhiều trường hợp trẻ bỏ nhà đi, chị Trần Ngọc Nở - chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em cho biết, trẻ bỏ đi khi trở về có tâm lý lo lắng, hoang mang, có những em luôn muốn né tránh, không muốn tiếp xúc với mọi người. Bên cạnh bản thân các em, nhiều gia đình có con em từng bỏ nhà đi lại có những lo lắng thái quá như cho các em nghỉ học vì sợ gặp bạn bè dụ dỗ, thậm chí có gia đình không cho tiếp xúc với bên ngoài trong khi nhu cầu của trẻ phải được tiếp xúc mở rộng mối quan hệ để trẻ có tâm trạng thoải mái, không còn thiếu tự tin.
Phụ huynh cũng cần giúp trẻ có kỹ năng nhận biết được trong trường hợp nào nên tiếp xúc với những người nào, có những cách ứng xử trước tình huống đó. Khi phát hiện người có hành động làm tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần hay tìm cách rủ các em bỏ nhà đi, hãy báo ngay với người mà em tin nhất, chính quyền địa phương hoặc gọi điện thoại hỗ trợ trẻ em: 0678516171 của Trung tâm.
Giảng viên Vũ Thị Phương, Phó Khoa Tâm lý - Giáo dục và Quản lý giáo dục, Trường Đại học Đồng Tháp khuyên các bậc cha, mẹ, người thân khi phát hiện con bỏ nhà đi nên báo cho công an càng sớm càng tốt, đừng ngần ngại, đừng sợ tiếng xấu mà im lặng che giấu, đồng thời, chủ động lần tìm các mối quan hệ của các em và tự đi tìm các em về. Khi gặp các em, người thân khéo léo, nhẹ nhàng động viên các em để không làm các em khủng hoảng, sau đó hãy lắng nghe các em rồi lựa lời giải thích để các em hiểu và không tái diễn.
Hữu Nghĩa
Vì sao hiện có nhiều trẻ nữ bỏ nhà đi?
Giảng viên Vũ Thị Phương cho rằng, ngày nay sự gắn kết các thành viên ở một số gia đình có bị suy yếu; sự gắn kết của con người với gia đình cũng giảm sút làm con người ta dễ rời xa người thân và rời bỏ gia đình để đi ra ngoài; gia đình thiếu quan tâm các em nên không hiểu các em nghĩ gì, làm gì,...; có thầy cô giáo và bậc phụ huynh đã có những hành xử không đúng như mắng nhiếc các em về lỗi nhỏ, thậm chí còn có lời đuổi các em ra khỏi nhà; gia đình cũng không kiểm soát được các mối quan hệ bạn bè của các em; có khi nhà trường và gia đình chưa bao giờ khuyên răn các em là không nên và thậm chí là không bao giờ được bỏ nhà đi; không cảnh báo các em các nguy cơ khi bỏ nhà đi.
Dưới góc độ tâm lý học, lứa tuổi 14 -16 tuổi là tuổi vừa mới lớn, có các đặc điểm tâm lý rất đặc biệt như thích làm người lớn, thích khẳng định mình, dám làm việc khác thường, không sợ nguy hiểm,... Đặc biệt là sự xuất hiện cảm xúc giới tính, rung cảm yêu đương rất mới nhưng rất mạnh ở các em. Các em nữ ở tuổi này rất nhạy cảm, đồng thời dễ bị cám dỗ bởi cái gọi là “tình yêu”, hẹn hò rồi trốn đi với người yêu, gặp người yêu. Về góc độ văn hóa, ngày nay giới trẻ cũng bị ảnh hưởng theo lối sống tự do phóng khoáng từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam, tự do yêu đương, tự do quan hệ,... Các em không nghĩ bỏ nhà đi là một việc làm xấu. Môi trường xã hội ngày càng có nhiều hơn những việc làm không tốt, những tệ nạn,... cám dỗ các em nữ mới lớn. |