Cần siết chặt quản lý đất công

Cập nhật ngày: 10/04/2015 13:15:25

Thời gian qua, việc quản lý đất đai được các cấp, các ngành tỉnh quan tâm, đẩy mạnh từ đó giúp công tác quản lý nhà nước về đất đai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ở một số địa phương tình hình quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quỹ đất công thiếu chặt chẽ, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất lâu dài,...

Khu đất công do UBND xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười quản lý đang bị người dân vào cất nhà, gây khó khăn trong việc xử lý 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là hơn 274 ngàn ha (thống kê vào cuối năm 2013). Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất có nhiều tích cực, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ nâng cao hiệu quả sử dụng đất và xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách và phát triển kinh tế địa phương.

Nhưng bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Chất lượng quy hoạch sử dụng đất còn thấp. Đất nông nghiệp trong khu dân cư nhỏ lẻ, phân tán nên không đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được thu hồi cho các mục đích phi nông nghiệp nhưng để cỏ mọc nhiều năm trong khi người dân lại không có đất sản xuất, gây lãng phí lớn cho nguồn tài nguyên đất đai. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép vẫn còn diễn ra nhiều, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người sử dụng đất rất hạn chế.

Ở nhiều địa phương, công tác quản lý sử dụng đất nông nghiệp còn rất lỏng lẻo. Điển hình là ở huyện Tam Nông, qua rà soát của UBND huyện, hiện có 270ha đất tại xã Tân Công Chí thuộc quyền quản lý của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959 đang liên kết với Công ty TNHH Hùng Cá nuôi cá tra sai quy hoạch đã được phê duyệt. Tại huyện Cao Lãnh, qua thống kê, toàn huyện hiện có gần 300ha diện tích đất nông nghiệp tại các xã: Gáo Giồng, Ba Sao, Mỹ Long, Mỹ Hiệp,... đang được sử dụng để nuôi trồng thủy sản sai quy hoạch. Trên địa bàn huyện Tân Hồng, hiện có 78 hộ dân đang sản xuất 115ha đất ở xã Tân Công Chí thuộc diện quản lý của Nông lâm ngư trường Bắc Trang trước đây, hiện thuộc quyền quản lý của UBND huyện Tân Hồng nhưng người dân không chịu ký hợp đồng thuê đất mà yêu cầu được công nhận quyền sử dụng đất.

Do công tác quản lý đất chưa được chặt chẽ nên khi xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân sử dụng đất sai mục đích đã phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi các ngành, các cấp quản lý phải có biện pháp giải quyết phù hợp.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 742,4ha đất công ích, trong đó diện tích đất công đang trực tiếp sử dụng 448,3ha. Qua công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, ngành chức năng có liên quan của tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý và sử dụng đất công của các tổ chức được giao đất.

Theo Sở TN-MT, qua việc thanh tra, kiểm tra những tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Chỉ thị 134/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã phát hiện 30 tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp được giao đất, cho thuê đất vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, với tổng diện tích hơn 200ha. Trong đó, có 20 tổ chức chưa sử dụng đất hoặc vi phạm khoản 12, Điều 38, Luật Đất đai năm 2003 quy định về thu hồi đất với tổng diện tích hơn 177ha; có 7 tổ chức cho thuê đất trái pháp luật với tổng diện tích gần 1,4ha và có 3 tổ chức bị lấn chiếm hoặc lấn chiếm đất.

Từ việc phát hiện sai phạm trên, Sở kiến nghị lãnh đạo tỉnh có hình thức xử lý các đơn vị vi phạm và đã xử lý thu hồi diện tích hơn 180ha đất bị sử dụng sai mục đích, sai phạm ở các diện tích đất còn lại đang tiến hành xử lý.

Ngoài ra, ở một số địa phương xuất hiện tình trạng giao đất, cho thuê đất công, đất nông nghiệp nhưng không qua đấu giá, nhiều khu đất công giao cho các tổ chức sử dụng bị lấn chiếm, tranh chấp rất khó giải quyết. Cụ thể, huyện Tân Hồng đang cho 73 hộ dân thuê 188 thửa đất nông nghiệp, với tổng diện tích hơn 72ha trong thời hạn thuê 1 năm, với tổng số tiền hơn 333 triệu đồng nhưng không qua đất giá. Tại huyện Tam Nông đang có 38 khu đất, thửa đất công, với tổng diện tích hơn 24ha đang bị lấn chiếm, tranh chấp. Ở huyện Cao Lãnh hiện có 11 trường hợp đơn vị được giao đất chưa xác định được ranh giới thửa đất và 10 trường hợp khác đang bị tranh chấp.

Đất đai là nguồn tài sản, là tư liệu sản xuất rất quan trọng của xã hội, việc buông lỏng công tác quản lý, nhất là quản lý đất công có thể là nguyên nhân xảy ra khiếu kiện, tranh chấp đất đai rất khó giải quyết. Thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân pháp luật về đất đai, ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất ở các địa phương đi vào nề nếp, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn