Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững góp phần làm giảm bạo lực gia đình
Cập nhật ngày: 19/07/2013 05:00:50
Tổng hợp thống kê của các xã, thị trấn, đầu năm 2008, huyện Lấp Vò có 189 hộ có bạo lực gia đình (BLGĐ), chiếm 0,48% số hộ toàn huyện (trong đó bạo lực về thể chất 159 hộ; về tinh thần 29 hộ; về tình dục 1 hộ, về kinh tế 1 hộ). Nạn nhân chính là phụ nữ, người già và trẻ em. Nguyên nhân chính dẫn đến BLGĐ do trong dân còn tình trạng bất bình đẳng giới và tư tưởng gia trưởng; kinh tế gia đình túng quẩn, khó khăn, làm ăn thất bại gây áp lực nặng về tâm lý, tình cảm; tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; cuộc sống vợ chồng thiếu thủy chung...
Từ năm 2008 đến nay, các cấp, các ngành của huyện có nhiều chương trình hoạt động tuyên truyền nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế BLGĐ như tổ chức các cuộc triển khai, cuộc thi tìm hiểu, hội thảo, truyền thông về phòng, chống BLGĐ; duy trì đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực - Con cháu thảo hiền”, đặc biệt mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ được huyện quan tâm chỉ đạo phát triển đều khắp ở các xã, thị trấn trong huyện.
Năm 2008, toàn huyện có 13/13 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững (CLBGĐPTBV) ở 13 ấp/13 xã, thị trấn, đến tháng 6/2013 đã là 50 CLB cùng 50 nhóm phòng, chống BLGĐ tại 50 ấp với 1.490 thành viên là hộ tham gia (trong đó có hộ bạo lực, hộ nguy cơ BLGĐ và hộ gia đình hạnh phúc), chiếm 75,75% tổng số khóm, ấp (chỉ tiêu đến năm 2015, huyện có 60% khóm ấp có CLB) và 191 địa chỉ tin cậy để nạn nhân lánh nạn khi có BLGĐ xảy ra (đã giúp đỡ 57 trường hợp).
Cùng với Công an xã, Ban chỉ đạo PCBLGĐ xã, các nhóm và CLB còn thiết lập đường dây nóng và thông báo rộng rãi đến người dân nhằm tạo điều kiện cho họ liên hệ, báo tin khi có BLGĐ xảy ra để kịp thời đến can thiệp. Bên cạnh tuyên truyền các luật liên quan về gia đình như: Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước... thông qua cuộc sinh hoạt định kỳ. Hơn 5 năm qua, các CLBGĐPTBV phát hiện, tư vấn, vận động giáo dục, hòa giải thành 642/667 trường hợp BLGĐ (trong đó 601 trường hợp phụ nữ bị bạo lực về thể chất và tình dục) và 376 trường hợp có nguy cơ BLGĐ, đồng thời phối hợp đưa xử phạt vi phạm hành chính 21 trường hợp tái phạm, xử lý hình sự 2 trường hợp, đưa vào cơ sở giáo dục 1 trường hợp và giáo dục tại địa phương 1 trường hợp.
Từ khi thành lập đến nay, các CLBGĐPTBV dần trở thành nơi thu hút, tập hợp và nâng cao ý thức phòng, chống BLGĐ của nhiều người dân. Đây cũng là nơi chuyển giao kiến thức pháp luật và phát động nhân nhân thi đua đăng ký thực hiện gia đình không có người vi phạm trật tự an toàn xã hội. Nhờ đó số vụ BLGĐ trên địa bàn huyện giảm. Đến tháng 6/2013, toàn huyện chỉ phát hiện 42 trường hợp BLGĐ, giảm nhiều so với 5 năm trước.
TD