Công tác dân số đạt nhiều kết quả quan trọng

Cập nhật ngày: 10/08/2015 11:27:25

Từ năm 1993, trước sự gia tăng dân số quá nhanh, cùng với cả nước, tỉnh xác định đây là một trong những nguyên nhân cản trở phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn rất lớn cho việc cải thiện đời sống, hạn chế điều kiện phát triển mặt trí tuệ, văn hóa và thể lực của giống nòi. Từ đó, tỉnh đã quán triệt nghiêm túc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chiến lược DS-KHHGĐ của Chính phủ. Quán triệt chỉ đạo của Trung ương qua từng thời kỳ, Tỉnh ủy đã kịp thời lãnh đạo các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, xây dựng gia đình và bảo vệ chăm sóc trẻ em trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Thông qua việc đổi mới nội dung, hình thức và cách tiếp cận công tác truyền thông, giáo dục, mục tiêu cuộc vận động “Hãy dừng lại ở 2 con để nuôi và dạy cho tốt” đã thực sự được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng. Nhận thức của các nhóm đối tượng về DS-KHHGĐ đã chuyển biến tích cực, mô hình gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi.

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi có sự thay đổi nhanh chóng, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) đã tăng từ 47% (năm 1994) lên 69% (năm 2014). Tỉnh đang có cơ cấu “dân số vàng” cho phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình DS-KHHGĐ duy trì giảm mức sinh, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong; tỷ lệ dân số 60 tuổi trở lên của tỉnh tăng từ 7,3% (năm 1994) lên 10,8% (năm 2014). Như vậy, từ năm 2014, tỉnh đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số”.

Những năm qua, chất lượng dân số được nâng lên nhanh chóng: tuổi thọ trung bình giai đoạn 1994-2014 được nâng từ 64 lên 72,8 tuổi; tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi vào lớp 1 tăng từ 95% lên 99,8%; hoàn thành phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo THCS được tích cực triển khai; trình độ dân trí và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng thực thi chính sách phân bổ dân cư trên từng vùng, từng địa bàn, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân phát triển sản xuất và xây dựng hệ thống chuyên ngành tổ chức quản lý đối tượng chặt chẽ, đầy đủ. Các yếu tố dân số được lồng ghép có hiệu quả vào quá trình hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia công tác DS-KHHGĐ. Tỉnh cũng đã triển khai chính sách đào tạo nghề và phân bổ nguồn lao động hợp lý, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, nâng cao dân trí, bình đẳng giới và vai trò của gia đình, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Kết quả đã đạt được, khẳng định vị trí quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người, xóa đói, giảm nghèo và từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân. Cùng với quá trình CNH, HĐH, dân số Đồng Tháp đã bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học, chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp; từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn; từ mức tử vong cao sang mức tử vong thấp, nhất là mức tử vong trẻ em; từ cơ cấu “dân số trẻ” sang “già hóa dân số” và từ cơ cấu “dân số phụ thuộc” sang cơ cấu “dân số vàng”... thực tế xuất hiện nhiều thách thức và những vấn đề mới nảy sinh trong công tác dân số, có ý nghĩa quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh.

TN

Từ năm 2001-2014, dân số của tỉnh chỉ tăng từ 1.586.124 người lên 1.838.792 người, quy mô dân số ổn định dần từng năm, tỷ lệ các cặp vợ chồng đang sử dụng biện pháp tránh thay tăng từ 48,28% (năm 1994) lên 79,27% (năm 2014); tỷ lệ sinh con thứ ba giảm từ 5,45% (năm 2005) xuống 4,07% (năm 2014)); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,14% (năm 2005) xuống 0,98% (năm 2014), bình quân mỗi năm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm 0,21%; số con bình quân của một phụ nữ cũng giảm từ 2,1 con/phụ nữ (năm 2005) xuống 1,91 con/phụ nữ (năm 2014).

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn