Cử nhân, việc làm và thất nghiệp

Cập nhật ngày: 17/08/2015 11:41:00

Xưa có chuyện “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”. Nay, trong một bộ phận người dân có tâm trạng “chưa đỗ ông nghè đã dè thất nghiệp”.

Người Việt Nam có truyền thống hiếu học. Người đỗ đạt được xã hội tôn vinh, trọng vọng. Truyền thống hiếu học ấy được mang theo vào vùng đất mới - đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ phù sa, bạt ngàn sản vật - nhưng đã thay đổi phần nào. Cái sự học không còn được quan tâm như là con đường để thoát đói nghèo, cùng với đó hình thành nếp nghĩ: Không làm vẫn có ăn, bởi “trên cơm dưới cá”.

Truyền thống hiếu học được khơi dậy và mang tính thực dụng hơn trong cơ chế thị trường và yêu cầu chuẩn hóa cán bộ. Văn bằng phải có khi tìm việc làm hoặc muốn thăng tiến. Đi học thêm với những Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ; phải vào đại học, chí ít cũng cao đẳng, trung cấp là lựa chọn cuối cùng. Vượt qua vô vàn khó khăn, có những bậc cha mẹ ở ống cống, đi lượm rác để con có tấm bằng đại học. Sau khi tốt nghiệp, đa số đều muốn được vào cơ quan nhà nước, nếu không sẽ bị cho là thất nghiệp theo cách hiểu phổ thông hiện nay. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng mới nhân viên của cơ quan nhà nước là có hạn khi thực hiện chủ trương ổn định và tinh giản biên chế.

Từ năm 2011 - 2015 có 7.470 sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp tốt nghiệp các chuyên ngành sư phạm. Cũng trong khoảng thời gian này, ngành giáo dục tỉnh chỉ tuyển mới 779 cán bộ quản lý và giáo viên.

Tại sao phải có tấm bằng cao đẳng, đại học bằng mọi giá rồi thất nghiệp hoặc phải đào tạo lại, trong khi có thể học một nghề nào đó để tự nuôi sống bản thân, còn cao đẳng, đại học để sau bởi việc học là suốt đời. Nhiều “kỹ sư chân đất” chưa đạt trình độ THPT nhưng được vinh danh do những sáng tạo, đến “dân trong nghề” cũng phải ngã mũ chào.

Việc chấp nhận đào tạo lại, dù là lãng phí, được xem là hướng mở ra cho những “ông cử, chị nghè” thất nghiệp. Nhưng nếu những cử, nghè kia không có điều kiện đào tạo lại, không có việc làm, bởi sản vật thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, lao động nông nghiệp phần lớn được thực hiện bằng máy móc, thì việc đi xuất khẩu lao động là một lựa chọn. Ngoài việc có thu nhập cao, người đi xuất khẩu lao động còn là sứ giả quảng bá hình ảnh Việt Nam; sau khi hoàn thành hợp đồng sẽ mang về không chỉ tiền mà còn là ngoại ngữ, tay nghề, tính kỷ luật, cách quan hệ cộng đồng... Tuy nhiên không phải ai cũng có suy nghĩ như vậy.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 toàn tỉnh có 442 người đi xuất khẩu lao động. Trong khi đó một số nơi như xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tỉnh) có đến 2.500 người đi xuất khẩu lao động, tiền gởi về nước 1 năm khoảng 80 tỷ đồng, xấp xỉ nguồn thu ngân sách trên địa bàn một huyện.

Chọn chuyên ngành học nào, chấp nhận thất nghiệp sau khi ra trường, chờ cơ hội vào cơ quan nhà nước, tự tìm việc làm dù trái ngành nghề, đi xuất khẩu lao động... là lựa chọn của người lao động; của những cử, nghè thời nay ở Đồng Tháp. Nhưng rất cần công tác tuyên truyền, định hướng để giải tỏa tâm trạng “chưa đỗ ông nghè đã dè thất nghiệp”, trông chờ, đổ lỗi Nhà nước..., xã hội không phải lãng phí một nguồn lực to lớn, không thể tính bằng tiền, là chất xám.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn