Dân phản ánh các lò giết mổ gia súc, gia cầm gây ô nhiễm

Cập nhật ngày: 04/03/2016 13:10:28

Người dân quanh khu vực các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở ấp An Định, xã An Bình, huyện Cao Lãnh phản ánh nhiều với Báo Đồng Tháp về tình trạng các cơ sở này xả nước thải không đảm bảo vệ sinh xuống sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.


Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung An Bình được đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn bị người dân phản ánh xả thải gây ô nhiễm

Khu vực ấp An Định, xã An Bình, huyện Cao Lãnh hiện có 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với quy mô lớn đang hoạt động gồm: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung An Bình (gọi tắt là Cơ sở giết mổ An Bình) do Trạm Gieo tinh nhân tạo và Giết mổ gia súc, gia cầm huyện Cao Lãnh quản lý và Nhà máy giết mổ công nghiệp và chế biến gia cầm, thủy cầm thuộc Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ quản lý.

Theo thiết kế, 2 cơ sở này có công suất giết mổ trên 400 con heo và hàng ngàn con gia cầm mỗi ngày. Vì vậy, trong quá trình giết mổ sẽ phát sinh lượng nước thải và chất thải khá lớn, nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Hiện ở 2 cơ sở giết mổ này đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng theo phản ánh của người dân thì tình trạng nước thải có dấu hiệu ô nhiễm vẫn được các cơ sở này xả xuống sông.

Ông Nguyễn Văn Thảo (61 tuổi) nhà ở rạch Thầy Dân, ấp An Định, xã An Bình, huyện Cao Lãnh cho biết: “Do con rạch tiếp giáp với cơ sở giết mổ của Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ nên lâu lâu thì bị ảnh hưởng bởi thải xả xuống rạch. Nước thải được xả ra có màu vàng đục, có khi xanh dờn, mùi hôi ghê lắm. Tôi chỉ dám sử dụng nước dưới rạch tưới cây, giặt đồ chứ không dám nấu ăn, sinh hoạt”.

Cặp con rạch Thầy Dân có gần 30 hộ gia đình sinh sống. Theo các hộ này, thời gian qua địa phương đầu tư kinh phí xây dựng ở đầu con rạch 1 cống hở nhằm điều tiết nước cho người dân tưới tiêu. Nhưng do sự quản lý chưa tốt, cống hở này cứ liên tục bị một hộ dân trong rạch đóng lại gây nước ùn ứ, không thoát ra bên ngoài. Mỗi lần xuất hiện tình trạng Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ xả nước thải trùng với thời điểm nắp cống bị đóng thì tình trạng nước trong rạch Thầy Dân bị ô nhiễm thêm nặng nề hơn.

Bà Nguyễn Thị Bé (75 tuổi) nhà ở rạch Thầy Dân nói: “Dân ở đây từ lâu sử dụng nước dưới rạch quen rồi nên khi thấy con rạch bị xả thải, nước ô nhiễm bức rứt lắm”.

Để tìm hiểu vấn đề Nhà máy giết mổ công nghiệp và chế biến gia cầm, thủy cầm của Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ có tình trạng xả thải ra môi trường như người dân cho biết hay không, ngày 1/3/2016, phóng viên Báo Đồng Tháp liên hệ hẹn gặp quản lý Công ty để xác minh vụ việc nhưng được nhân viên của Công ty thông báo lãnh đạo Công ty không có thời gian rảnh để tiếp, đồng thời thông báo rằng Công ty có hệ thống xử lý nước thải nên không có hiện tượng xả thải ra môi trường như người dân thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho hay, UBND xã chưa nhận đơn phản ánh của người dân về việc xả thải của các cơ sở giết mổ đóng trên địa bàn, nhưng thấy tình hình nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, UBND xã đã đề nghị ngành chức năng kéo nước máy cho các hộ dân ở rạch Thầy Dân sử dụng, sinh hoạt. Các hộ dân này đã có nước sạch dùng hơn 1 năm qua.

Theo nhiều người dân địa phương, tình trạng xả nước thải có dấu hiệu ô nhiễm thời gian qua còn diễn ra khá phổ biến ở Cơ sở giết mổ An Bình. Nước thải phát sinh trong quá trình giết mổ gia súc, sau khi được lắng lọc thủ công ở các ao hầm sẽ được thải trực tiếp ra sông Cần Lố.

Ông Nguyễn Hồng Xiêm làm việc ở một trại mộc gần nơi Cơ sở giết mổ An Bình xả thải cho biết: “Có khi cơ sở giết mổ này ngày nào cũng xả nước thải xuống sông. Nước thải bốc mùi hôi, thối ghê lắm”.

Cùng với vấn đề ô nhiễm do việc xả nước thải, bụi tro thải của Cơ sở giết mổ An Bình cũng đang ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Nhung (70 tuổi) ở ấp An Định, xã An Bình nói: “Tro thải đốt lò giết mổ tập kết cạnh nhà tôi nên bụi không chịu nỗi. Phản ánh với quản lý lò thì cơ sở hỗ trợ cho tôi được 4 tấm mành để che chắn lại. Thế nhưng khi có gió lớn là bụi tro bay vào nhà mù mịt. Tình trạng này còn diễn ra, tôi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Cơ sở Giết mổ An Bình được đưa vào hoạt động từ năm 2008 với công suất giết mổ từ 400 - 420 con heo/ngày đêm. Qua thời gian hoạt động đã bị xuống cấp, công nghệ giết mổ lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh. Năm 2013, Cơ sở này được đầu tư hàng tỷ đồng để thực hiện công trình thu gom và xử lý nước thải, với công suất xử lý 300m3 nước thải/ngày đêm. Đến ngày 27/12/2015 (âm lịch), hệ thống xử lý nước thải này đã được đưa vào vận hành thử nghiệm.

Ông Võ Trường Chiếu - Trưởng Trạm Gieo tinh nhân tạo và Giết mổ gia súc, gia cầm huyện Cao Lãnh cho biết: “Cơ sở đã đưa hệ thống nước thải mới chạy vận hành thử để xử lý nước thải, nhưng qua kiểm tra mới chỉ đạt loại B, theo quy định phải đạt loại A. Đối với bãi tro phát sinh bụi, chúng tôi sẽ có biện pháp di dời để không còn ảnh hưởng cuộc sống người dân”.

Theo thông tin từ một vị lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi huyện Cao Lãnh, việc hệ thống xử lý nước thải của Cơ sở giết mổ An Bình vận hành chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân là do các vi sinh vật chưa phát triển và hoạt động ổn định. Vị này cũng cho hay, trước đây Phòng cũng đã nghe thông tin phản ánh của người dân việc xả thải của các lò giết mổ tập trung ở xã An Bình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Tháp, ông Phạm Việt Thắng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp cho biết: “Phía Chi cục và Sở chưa nhận phản ánh của người dân về việc xả thải ra môi trường của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở xã An Bình. Từ sự phán ảnh của Báo, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra các cơ sở này để có biện pháp xử lý theo quy định”.

Trước những phản ánh của người dân về tình trạng xả nước thải có dấu hiệu ô nhiễm ra kênh rạch của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, nếu thực tế việc xả thải ô nhiễm xảy ra cần có biện pháp xử lý, chấn chỉnh. Trường hợp nước thải xả ra môi trường đạt chuẩn theo quy định cần thông báo cho bà con biết để cả người dân và doanh nghiệp cùng nhau an tâm “an cư, lạc nghiệp”.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn