Diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 27/05/2016 16:05:52

Tại hội thảo báo chí về phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và các dịch bệnh mùa hè do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh (17/5), ông Trương Đình Bắc - Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói: “Dựa trên những biểu hiện lâm sàng khó phân biệt giữa bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bệnh do vi rút Zika. Bộ Y tế khuyến cáo mọi người khi có những triệu chứng như: đau cơ, đau mắt, SXH, nhức đầu,... nên đến cơ sở y tế để xét nghiệm xác định bệnh. Bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika có cùng chung muỗi truyền bệnh là muỗi vằn, rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở đô thị và khu dân cư. Muốn phòng hai bệnh này một cách rẻ tiền nhất, hiệu quả nhất là mỗi người dân tự diệt muỗi, lăng quăng.

Dịch bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền, có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Biểu hiện của bệnh: sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cộng đồng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika:

Phòng muỗi đốt: ngủ mùng, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi. Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Loại bỏ lăng quăng: đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương, tuy nhiên, người đi/đến/về từ vùng có dịch do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh, hãy chủ động đến cơ sở y tế khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.

Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi/đến/về từ vùng dịch do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục.

Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika và khám thai định kỳ. Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thật sự cần thiết. Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc đi về từ vùng dịch nếu có triệu chứng như: sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện vi rút Zika. Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai, cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai. Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền vi rút Zika cho mẹ và con.

Ông Emmanuel Eraly - Văn phòng WHO tại Hà Nội cho biết, Zika không phải là vấn đề quá lo ngại đối với cộng đồng về sức khỏe, vì đây là bệnh thể nhẹ và đa số những người bị nhiễm bệnh đều không biết mình bị nhiễm. Chúng ta quan tâm là vì chưa biết hết sự liên quan của nó đến những khiếm khuyết sơ sinh và đang có nhiều đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Bệnh do vi rút Zika và SXH khó phân biệt. Vi rút Zika có thể gây chứng đầu nhỏ, bại liệt cơ... ở thai nhi, tuy nhiên, chúng ta không quá lo lắng vì nếu bạn chuẩn bị có thai hay đang có thai mà bị muỗi vằn đốt hoặc nhiễm vi rút Zika thì chưa chắc ảnh hưởng đến thai nhi; hầu hết các phụ nữ mang thai có nhiễm vi rút Zika sinh ra em bé bình thường. Hiện chưa biết hết nguyên nhân gây ra khiếm khuyết đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Thường mọi người khi thấy đứa trẻ sinh ra mà đầu bị nhỏ cho là bệnh là không đúng. Nhiều trẻ bị đầu nhỏ, não vẫn phát triển bình thường, nên chúng ta xem đây như một khuyết tật...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn