Đổi mới phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua - khen thưởng

Cập nhật ngày: 17/08/2015 11:50:51

Nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Đồng Tháp lần thứ V, phóng viên Báo Đồng Tháp phỏng vấn đồng chí Lê Minh Thái – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – khen thưởng, Trưởng Ban Thi đua- khen thưởng tỉnh.


Đồng chí Lê Minh Thái

Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước (TĐYN) tỉnh Đồng Tháp, đồng chí có thể nêu những đổi mới của tỉnh nhằm làm cho phong trào TĐYN và công tác thi đua - khen thưởng (TĐ-KT) ngày càng đi vào thực chất trong thời gian qua?

Đồng chí Lê Minh Thái (L.M.T.): 5 năm qua, phong trào TĐYN và công tác TĐ-KT tỉnh Đồng Tháp có nhiều đổi mới và nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của phong trào TĐYN và công tác khen thưởng đã được nâng lên. Phong trào thi đua có nhiều sáng tạo, đổi mới, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác khen thưởng thực hiện kịp thời, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều chuyển biến rõ nét.

Với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, phong trào TĐYN và công tác TĐ-KT của tỉnh luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ kịp thời, những đổi mới vừa qua cũng xuất phát từ sự đồng ý về mặt chủ trương của lãnh đạo tỉnh. Về thi đua, hoạt động của các cụm thi đua, khối thi đua trong tỉnh có bước phát triển và dần đi vào nề nếp. Việc phát động và tổ chức các phong trào TĐYN của các đơn vị, địa phương trong tỉnh có nhiều chuyển biến. Nếu như trước đây, các đơn vị chỉ chú trọng vào việc phát động các phong trào thi đua thường xuyên (thường được tổ chức theo năm kế hoạch, năm công tác) thì nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những phong trào thi đua theo đợt (theo chuyên đề). Hàng năm, ngoài phong trào thi đua thường xuyên, UBND tỉnh phát động phong trào thi đua chuyên đề với 12 nội dung nhằm tăng cường khen thưởng cho đối tượng là cán bộ, người trực tiếp lao động, sản xuất.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã đồng ý cho Ban TĐ-KT tỉnh triển khai bộ tiêu chí thi đua dành cho các huyện, thị, thành phố theo hướng đánh giá toàn diện công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực tại địa phương. Điều này có ý nghĩa thúc đẩy các địa phương phải hoàn thành tốt toàn diện các nội dung công việc của địa phương mình chứ không phải tập trung vào chỉ tiêu nào tính điểm thi đua thì mới cần tập trung. Về khen thưởng, bên cạnh thực hiện công tác xét khen thưởng theo Luật TĐ-KT, tỉnh cũng đã dần đưa công tác xét khen thưởng theo hướng dân chủ hơn như: cho lấy ý kiến dư luận xã hội đối với các trường hợp trình khen cấp Nhà nước trên Báo Đồng Tháp và Website của Hội đồng TĐ-KT tỉnh (www.hdtdkt.dongthap.gov.vn) trước khi trình Hội đồng TĐ-KT Trung ương. Hay thực hiện việc xét khen thưởng theo tỉ lệ tập thể mạnh thì cá nhân trong tập thể đó được khen nhiều hơn tập thể chưa mạnh.

Công tác tổ chức các sự kiện tôn vinh, biểu dương ngày càng đi vào nề nếp và chất lượng công tác tổ chức được nâng cao hơn như: Tôn vinh doanh nghiệp – doanh nhân, lễ trao tặng các phần thưởng cao quý của Nhà nước, lễ trao tặng và truy tặng Danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam anh hùng,... Đặc biệt, việc tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến của cấp cơ sở trước khi diễn ra Đại hội TĐYN của tỉnh lần này cũng là một đổi mới khi các đơn vị tổ chức theo các Khối thi đua chứ không tổ chức riêng lẻ như trước đây. Và ngay cả Chương trình Đại hội TĐYN lần thứ V cũng là một sự đổi mới...

P.V: Ngoài những kết quả đã đạt được, phong trào TĐYN và công tác TĐ-KT ở tỉnh ta còn bộc lộ những hạn chế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí L.M.T.: Giai đoạn 5 năm qua, bên cạnh những cái được là chủ yếu thì phong trào thi đua ở một số nơi vẫn còn hình thức, tiêu chí thi đua chưa thực sự cụ thể, còn thực hiện kiểu “máy móc”. Ví dụ khi thực hiện phong trào thi đua “Đồng Tháp chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn từ nay đến 2020, nhiều xã cũng xây dựng kế hoạch y như tỉnh (nghĩa là cũng từ nay đến năm 2020) thay vì phải căn cứ vào tình hình thực tế của xã hàng năm để xây dựng kế hoạch phát động hàng năm cho phù hợp.

Công tác khen thưởng nhiều nơi chưa bám sát các phong trào thi đua, chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ, còn thiếu chính xác, còn nể nang, cào bằng, cá biệt có trường hợp báo cáo thiếu trung thực, chạy theo thành tích; thủ tục khen thưởng còn nặng về hành chính, gây phiền hà, khó khăn. Năng lực tham mưu, tổ chức của cán bộ chuyên trách thi đua, khen thưởng còn nhiều hạn chế.

P.V: Trong 5 năm tới, nhiệm vụ của các phong trào TĐYN và thực hiện các chính sách về TĐ-KT ở tỉnh ta cần tập trung là gì?

Đồng chí L.M.T.: Hội nghị điển hình tiên tiến và Đại hội TĐYN của tỉnh là một trong các hoạt động được diễn ra trước thềm Đại hội Đảng các cấp. Theo tôi, điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. 5 năm tới, các phong trào TĐYN cần phải được phát động một cách chặt chẽ hơn, bám sát những nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Trên cơ sở đó, căn cứ vào Luật TĐ-KT và các hướng dẫn mà có đề xuất khen thưởng những tập thể và cá nhân cho phù hợp.

Trọng tâm là chuyển TĐ-KT về cơ sở và người lao động, người sản xuất trực tiếp, có thành tích sáng tạo trong công tác, lao động, sản xuất và bảo vệ Tổ quốc; khen thưởng cần đảm bảo đúng người đúng việc, mang tính nêu gương, tính giáo dục, được dư luận đồng tình, ủng hộ; kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong TĐ-KT. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong công tác TĐ-KT theo hướng công khai, minh bạch, công bằng; đảm bảo có hiệu quả thiết thực.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Dũng Chinh (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn