Đừng để chợ Tháp Mười trở thành chợ... “đuổi”

Cập nhật ngày: 07/03/2016 12:51:35

“Chợ đuổi” là cách nói ví von của những tiểu thương bán hàng vãng lai rau, củ, quả, cá đồng,... tại chợ Tháp Mười từ cuối tháng 12/2015 đến nay. Chúng tôi có mặt tại chợ Tháp Mười hòa vào dòng người đi chợ lẫn những người mua gánh, bán bưng để cảm nhận đắng cay 2 từ “chợ đuổi”.


Khu vực chợ cũ chưa có bãi giữ xe tập trung là địa điểm UBND thị trấn có kế hoạch di dời các hộ mua bán hàng vãng lai

Cảnh tượng rượt đuổi

5 giờ 30 phút sáng ngày 29/2, điện thoại chúng tôi liên tục đổ chuông bởi những cuộc gọi của người dân ở chợ Tháp Mười cho hay họ đang bị “đuổi”. Gửi xe vào bãi, đi vào chợ, trước mắt chúng tôi là cảnh tượng nháo nhác, trên dưới 200 tiểu thương bán rau vườn, củ, quả, cá đồng, chuột đồng,... ngồi bán hai bên khu vực nhà lồng chợ cá là đường Hà Huy Tập và đường Ngô Gia Tự. Có tiếng loa phát ồn ào và từ xa chiếc xe tải nhỏ đang chạy đến cùng với một nhóm người mặc áo trắng, quần tây. Người dân ở chợ gọi đây là “Đội trật tự đô thị”. Đội này gồm 5 người, người xách cặp, người cầm trên tay cái loa giơ về phía các tiểu thương đang lúi húi dọn hàng: “Dẹp, dẹp, không cho bán chỗ này nữa, chuyển qua chợ cũ bán mau lên”. Chiếc xe tải nhỏ được tài xế điều khiển chạy theo đoàn, phía sau xe tải là chiếc lồng có hình vuông cao khoảng 1m và dài khoảng 1,4m, có gắn 2 bánh xe. Trên nóc xe, hai bên thùng xe được lắp mỗi nơi 1 cái ổ khóa. Bên hông xe, có ghi chữ “Xe trật tự”. Bên trong chiếc lồng sắt này, có một chiếc thau inox với khoảng chục cái nấm rơm đã khô, 2 cái giỏ xách nhựa. Hàng hóa của những người bán hàng vãng lai bày biện không đúng nơi quy định sẽ bị tịch thu, đưa lên xe này. Khi Đội trật tự đến, người bán chạy tán loạn, hoặc bưng hàng trên tay kiếm chỗ giấu vì sợ bị lấy mất. Người mua cũng sợ vạ lây nên rồ ga xe chạy, tạo thành cảnh tượng hỗn loạn. Cảnh tượng “đuổi - chạy” tái diễn nhiều lần trong ngày làm người dân nơi đây bức xúc. Bởi họ vừa bán, vừa chạy, vừa bán, vừa bưng, chẳng an tâm. Người đi chợ cũng không biết chỗ để mua. Tình trạng “đẩy đuổi” kéo dài đã phát sinh mâu thuẫn. Một tiểu thương là chị Phạm Thị Loan, bán cá (SN 1984) ngụ tại ấp 5, xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, hiện đang cư trú trên ghe tại chợ Tháp Mười bị Công an thị trấn Mỹ An đưa lên xe, chở về trụ sở để lập biên bản “Về việc gây rối, không chấp hành lệnh người đang thi hành nhiệm vụ” vào ngày 19/2/2016. Lý do, trước đó, vào lúc 8 giờ 30 phút cùng ngày, khi chị Loan đang bán cá ở giữa đường Hà Huy Tập thì Đội trật tự đô thị thị trấn đến để làm nhiệm vụ “đẩy đuổi”, không cho bán ở đường Hà Huy Tập và hướng dẫn các bạn hàng qua chợ cũ thuộc khóm 1, thị trấn Mỹ An để bán. Lúc đó, có 1 thành viên trong đoàn đến nhắc nhở và người trong Ban Quản lí chợ đến cầm mâm cá của chị Loan; chị Loan giật lại làm mâm cá, nước cá văng lên 2 người trong đoàn và làm họ bị ướt. Với hành vi này, chị Loan đã bị đưa lên xe, chở về trụ sở, bị lập biên bản vì mua bán dưới lòng lề đường, lớn tiếng, làm mâm cá văng lên người làm nhiệm vụ.

Cơ quan chức năng nói gì?

Vấn đề sắp xếp chợ Tháp Mười được UBND thị trấn Mỹ An thực hiện từ 3 văn bản Kế hoạch được ban hành vào các ngày 21/1, 15/2 và 26/2/2016. Theo đó, đối với khu vực hai bên nhà lồng chợ cá, đường Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự giải tỏa các hộ mua bán lấn chiếm, không bố trí mua bán ở khu vực lòng đường, hai bên sân chợ cá nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, bố trí khu vực đậu xe tự quản cho người dân; khu vực mua bán bờ kè đường Nguyễn Thị Minh Khai giải tỏa các hộ mua bán vãng lai, chuyển về khu vực chợ cũ, các hộ mua bán đã đăng ký trong nhà lồng, lô, sạp thì trở lại vị trí cũ.

Nhưng vấn đề sắp xếp trên của UBND thị trấn chưa được một số người dân đồng tình, dẫn đến mâu thuẫn, phản ứng với lực lượng làm nhiệm vụ. Lý do được người dân đưa ra là trong thời gian qua, chỗ bán thay đổi liên tục, khi thì phía trước nhà lồng chợ rau, củ, quả, khi thì hai bên nhà lồng chợ cá, có khi lại đưa xuống bờ kè, bây giờ tại đường Hà Huy Tập. Khi bày bán tại con đường này, bị “đẩy đuổi” liên tục vì mua bán dưới lòng đường trong khu vực chợ. Bà Lê Thị Hạnh ngụ khóm 1, thị trấn Mỹ An bán vịt tại chợ nói: “Lúc đầu, Ban quản lý chợ cho bán ở khu vực bờ kè, tôi cũng chịu, nhưng mới vừa quen chợ lại bị đuổi. Sắp chỗ mới là chỗ không bán được thì làm sao chúng tôi chuyển đến nên đành ngồi đây. Ngày nào biết có đuổi thì tôi mua hàng ít một chút hoặc nghỉ ngày đó. Ngày thường, tôi bán lời khoảng từ 70.000 đồng - 100.000 đồng, bị đuổi thì coi như lấy vốn hoặc lỗ nhưng phải đeo bán vì gia đình sống bằng nghề mua bán mà. Nghỉ gia đình tôi lấy gì mà sống?”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tình trạng lộn xộn trên còn bắt nguồn từ việc một số hộ tiểu thương đã có lô sạp cố định, nhưng do việc buôn bán ế ẩm nên di chuyển ra bên ngoài để buôn bán. Anh Nguyễn Thành L., tiểu thương bán cá cho biết: “Tôi có đăng ký lô sạp, mỗi năm đóng trên 2 triệu đồng, nhưng vào đó bán ế, ít người vào mua, nên đành ra ngoài bán...”. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Văn Nhẫn - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tháp Mười cho biết: “Hiện nay, thí điểm thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ; do tư nhân quản lý nên họ nhờ đến chính quyền địa phương hỗ trợ. Việc người dân bày bán hàng hóa dưới lòng đường gây cản trở giao thông, tuy nhiên, để bố trí khu vực buôn bán cố định cho những hộ dân này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trước đây, chợ xây dựng nhiều bục bệ, có họp dân, xin ý kiến của dân, làm lại mặt bằng, giải tỏa kios, quy định lô số, sạp, nhưng hiện tại nhiều sạp chứa thau, thùng hoặc để vật dụng khác, vì tiểu thương dọn ra đường bán. Chợ có bố trí bãi giữ xe, nhưng nhiều người không mang xe vào để gửi mà để xe bên ngoài gây mất an toàn giao thông...”.


Chiếc xe trật tự được dùng để đi thu gom

Theo kế hoạch của UBND thị trấn Mỹ An, các hộ ngoài nhà lồng thì sắp xếp ổn định lại; đối với những hộ mua bán cố định có lô, sạp mà bỏ vị trí nhà lồng, rà soát vận động người dân trở vào bán tại lô, sạp đã bố trí; những hộ không vào, sẽ thu hồi sạp, giao lại cho người khác; những hộ mua bán vãng lai chuyển về khu chợ cũ, ngay đầu cầu nhỏ ở phía đối diện. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chợ cũ khá chật chội, hiện không có chỗ đậu xe; mật độ giao thông tại khu vực này khá phức tạp.

Anh Đinh Công Phủ - Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ An cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, UBND thị trấn được giao quản lý chợ. Trước Tết, UBND thị trấn có phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Công an huyện, đô thị huyện, doanh nghiệp đang khai thác chợ sắp xếp chợ Tết. Qua Tết, chợ lộn xộn do người dân không chịu di dời, UBND thị trấn lên kế hoạch sắp xếp lại. Trước kia cho bán bờ kè, giờ cho di dời về chợ cũ. Đường Hà Huy Tập bị dân lấn chiếm lòng đường gây mất an toàn giao thông, cộng thêm hộ trong sạp dọn ra ngoài bán làm cho chợ mất trật tự. Do đó, trong 2 tuần sẽ di dời người dân qua chợ cũ. Hiện tại thì đa số người dân không chịu, họ nói qua bên chỗ mới (chợ cũ) hơi chật, người đi chợ không chỗ đậu xe...Trong 2 tuần, các tiểu thương này sẽ qua chợ cũ mua bán, không chấp hành, chống đối thì bị xử phạt...”.

Cần một giải pháp hợp lý

Khi được biết sẽ chuyển sang chợ cũ để mua bán, đa số các tiểu thương không đồng tình. Chị Trang Thị Kim Mạo - tiểu thương bán cá tại chợ, ngụ khóm 1, thị trấn Mỹ An cho biết: “Qua chợ cũ tôi cũng qua rồi, nhưng ngồi 3 ngày bán chỉ được 1 con cá tra. Đi qua đó, nếu bán không được thì gia đình tôi khó khăn hơn rất nhiều”. Bà Nguyễn Thị Biếu ngụ khóm 4, thị trấn Mỹ An, bán gà, vịt tại chợ nói: “Tôi không chịu qua chợ cũ bán vì bên đó bán không được. Mong muốn của tôi là thị trấn sớm sắp xếp chỗ nào cũng được, nhưng phải bên chợ mới để chúng tôi yên tâm buôn bán”. Chị Trần Thị Trang - tiểu thương bán cá, bức xúc: “Tại sao chợ mới cất lên mà kêu chúng tôi qua chợ cũ bán? Qua chợ cũ không có ai mua, lỗ nhiều, không có tiền làm sao gia đình tôi sinh sống...”. Chị Lê Thị Chín - người bán cá bày tỏ: “Gần đây, quá khó khăn, bị Đội trật tự đuổi liên tục, không bán được. Chúng tôi mong muốn xin được một chỗ ngồi cố định để buôn bán. Tôi có qua chợ cũ bán được 1 ngày, nhưng không bán được, nên chúng tôi trở về đây”. Cô Huệ - bán hoa cũng cho biết: “Chợ mới cho bán ở đâu cũng được, nhưng khi chuyển qua chợ cũ thì qua sông, qua cầu rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục bán bên chợ mới”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đa số tiểu thương có nguyện vọng buôn bán tại khu vực chợ mới. Tuy nhiên, để giải quyết mâu thuẫn này, đòi hỏi chính quyền địa phương cần lắng nghe, ghi nhận ý kiến của người dân; xem xét hiện trạng thực tế giữa khu vực chợ cũ, chợ mới; không nên có sự áp đặt, bắt buộc không phù hợp tạo nên dư luận không tốt. Buôn bán trên tuyến đường Hà Huy Tập và đường Ngô Gia Tự là hành vi không đúng, tuy nhiên việc sử dụng các biện pháp cứng rắn đối với người dân, nhất là những người mua gánh, bán bưng cũng như việc đẩy “chiếc lồng” đi quanh chợ thu gom hàng hóa của người dân, gây nên hình ảnh không hay. Để giải quyết nơi bán hợp lí cho trên dưới 200 hộ tiểu thương, đòi hỏi chính quyền địa phương cần có một giải pháp phù hợp hơn nữa, giúp người dân ổn định cuộc sống. Bởi qua tiếp xúc với họ, chúng tôi được biết có khoảng 80% hộ bán hàng vãng lai tại chợ Tháp Mười có hoàn cảnh khó khăn. Đa số họ cần sự giúp đỡ để có nơi bán ổn định nuôi sống gia đình. Mong rằng, UBND huyện Tháp Mười sớm có hướng chỉ đạo thích hợp; các đơn vị liên quan cần có sự tham mưu, đảm bảo quyền lợi của người dân, hướng đến việc xây dựng chính quyền thân thiện với nhân dân, xây dựng chợ văn minh, đảm bảo ổn định đời sống tiểu thương trong khu vực chợ.

C.P - CTV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn