Giám sát chặt chẽ, không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 14/09/2017 18:05:23

ĐTO - Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, tính đến ngày 10/9, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 2.560 trường hợp mắc bệnh SXH, có 3 ca tử vong, 12/12 huyện, thị có dịch SXH.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu trực tiếp khảo sát các vật dụng chứa nước tại 1 hộ gia đình ở xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh

Để đánh giá công tác phòng, chống SXH trên địa bàn, ngày 13/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cùng lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, các ban, ngành đoàn thể tỉnh và địa phương đã đến kiểm tra, giám sát tình hình phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn huyện Thanh Bình và TP.Cao Lãnh. Cùng với huyện Lấp Vò, đây là những địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao và nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu không kịp thời ngăn chặn.

Tại huyện Thanh Bình, từ đầu năm đến nay, ngành y tế ghi nhận trên 300 trường hợp mắc SXH, với 125 ổ dịch, tăng trên 93% so với cùng kỳ năm 2016. Qua giám sát thực tế tại Khu dân cư ấp Bình Thuận, xã Bình Thành, Đoàn nhận định chỉ số muỗi và lăng quăng tại khu vực này hiện rất cao, nhất là chỉ số muỗi cao gấp 5 lần mức cảnh báo.

Theo ngành y tế, ngoài những nguyên nhân khách quan do thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH phát triển thì còn có nhiều yếu tố chủ quan như: nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động cộng đồng phòng, chống SXH, đặc biệt là loại trừ lăng quăng tại hộ gia đình, còn sử dụng nhiều dụng cụ chứa nước nhưng không đậy kín cũng như chưa loại bỏ các vật dụng bỏ phế (vỏ bánh xe, vỏ dừa...) đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Đây chính là những nguyên nhân khiến tỷ lệ muỗi vằn và lăng quăng tồn tại trong môi trường cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát SXH.

Xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh là địa phương có số ca mắc cao nhất tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua với 188 ca. Qua giám sát tại đây cho thấy, một số vật dụng chứa nước trong các hộ gia đình vẫn còn có lăng quăng. Tuy nhiên, qua 3 đợt ra quân tuyên truyền và phun xịt thuốc diệt muỗi, các hộ dân đã có ý thức hơn nên chỉ số lăng quăng, muỗi vằn đã giảm so với thời điểm trước.

Đoàn đã đến các hộ gia đình tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, vận động người dân loại bỏ bọ gậy, vệ sinh môi trường sạch sẽ; hướng dẫn, tư vấn cho người dân các triệu chứng về bệnh SXH và khuyến cáo đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà hoặc đưa đến cơ sở y tế tư nhân.

Dự báo dịch bệnh SXH vẫn còn lưu hành trên diện rộng và có khả năng bùng phát cao trong thời gian tới do các chỉ số côn trùng đang gia tăng, nhất là đang trong những tháng mùa mưa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống SXH; giám sát các chỉ số về muỗi, lăng quăng, quản lý chặt chẽ ca bệnh, ổ dịch, theo dõi sát tình hình dịch bệnh. Công tác này phải thường xuyên, liên tục, bằng nhiều giải pháp... Bên cạnh đó, mỗi người dân phải thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường để phòng chống, bệnh SXH.

K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn