Giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo

Cập nhật ngày: 30/12/2018 06:18:07

ĐTO - Năm qua 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Thanh Bình đã chú trọng xây dựng nhiều phong trào, mô hình thiết thực tạo điều kiện cho nhiều hội viên (HV) cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.


Nhờ hỗ trợ nghề, vốn phát triển kinh tế nên gia đình chị Nguyễn Thị Phương Thúy đã vươn lên thoát nghèo

Năm 2018, hoạt động hỗ trợ phụ nữ (PN) phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được mở rộng theo hướng bền vững, toàn diện và thiết thực ở 100% chi hội. Trên cơ sở rà soát, khảo sát thực tế số hộ nghèo có PN và số hộ nghèo do PN làm chủ hộ, các cấp hội đã tập trung vào phong trào “Giúp hộ PN nghèo có địa chỉ” bằng cách phân công các chi hội, tổ PN và các HV có điều kiện kinh tế, kiến thức làm ăn nhận giúp đỡ các chủ hộ PN nghèo.

Nổi bật là phong trào giúp chị em vay vốn với lãi suất thấp được thực hiện có hiệu quả như: Tổ hùn vốn tương trợ mua bảo hiểm xã hội; Tổ PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, Tổ PN hùn vốn xây nhà vệ sinh;...

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực khai thác các nguồn vốn và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ hỗ trợ PN nghèo... Năm 2018, các cấp hội đã hỗ trợ cho 367 hộ HV nghèo vay vốn phát triển kinh tế với tổng số trên 3,8 tỷ đồng. Các nguồn vốn trên đã tạo nên nguồn lực giúp nhiều gia đình khó khăn, chí thú làm ăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, kinh tế gia đình cô Nguyễn Thanh Nhàn (ấp 2, xã Phú Lợi) dần ổn định. Cô Nhàn chia sẻ: “Chồng mất hơn 8 năm, mình tôi làm thuê nuôi 2 con. Tới mùa ớt thì đi hái ớt, hết mùa thì đi làm cỏ thuê”. Thấy hoàn cảnh cô khó khăn, Hội LHPN xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ cất cho cô căn nhà và giới thiệu cho cô vay 30 triệu đồng để thuê đất làm lúa. Giờ đây, hàng ngày cô Nhàn vừa chăm sóc ruộng vừa đi làm thuê. Con gái cô cũng được Hội PN xã hỗ trợ dạy nghề may, con trai lớn của cô thì đi làm công nhân ở TP.Hồ Chí Minh thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình cô dần cải thiện. Cuối năm 2018 gia đình cô đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Bên cạnh đó, mô hình “3 trong 1” (3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo, thoát nghèo bền vững) của Hội cũng được đẩy mạnh bằng hình thức vận động các hộ khá giúp vốn, con giống; chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để chị em vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, mô hình “3 trong 1” của huyện đã vận động 165 hộ khá, giàu đăng ký giúp được 61 hộ nghèo do PN làm chủ hộ. Mô hình đã giúp 38 hộ thoát nghèo, chiếm 62,3%.

Các cấp Hội PN trong huyện còn tích cực triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ PN học nghề, tạo việc làm”, công tác tuyên truyền, tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng mô hình tạo việc làm sau dạy nghề luôn được quan tâm. Năm 2018, Huyện hội đã phối hợp tổ chức 14 lớp nghề và truyền nghề: may gia đình, may công nghiệp, đan ghế, đan lục bình... thu hút 144 chị tham gia. Sau khi dạy nghề và truyền nghề 132/144 chị có việc làm (đạt 85,73%) và thu nhập ổn định hàng tháng từ 1 - 3 triệu đồng, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Nhờ được Hội PN xã An Phong hỗ trợ học may, mua máy may giá rẻ và hỗ trợ vốn chăn nuôi, buôn bán, chị Võ Thị Phương Thúy (ở ấp Nhất, xã An Phong) đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Thúy chia sẻ: “Giờ đây, thu nhập hàng tháng của vợ chồng tôi khoảng 7 - 8 triệu đồng. Nhờ vậy, giữa năm 2018, vợ chồng tôi đã cất lại ngôi nhà kiên cố và thoát nghèo”.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Hội đã vận động 33 con em cán bộ, HV PN đăng ký đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đồng thời, giới thiệu việc làm cho gần 1.033 lượt chị đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Với những nỗ lực và giải pháp thiết thực hỗ trợ HV phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, năm 2018, Hội LHPN huyện đã giúp trên 176 gia đình HV thoát nghèo và 88 hộ nghèo do nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Bà Trần Thị Ngọc Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ: “Công tác hỗ trợ HV phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững luôn được các cấp hội trong huyện quan tâm và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, các cấp hội trong huyện luôn bám sát theo bộ tiêu chí chuẩn nghèo để đề ra những giải pháp phù hợp, giúp hội viên thoát nghèo bền vững”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn