Hiệu quả công tác giảm nghèo ở Tân Phước

Cập nhật ngày: 30/12/2020 09:50:27

ĐTO - Đầu năm 2016, qua rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới, toàn xã Tân Phước (huyện Lai Vung) có 201 hộ nghèo, chiếm hơn 6,3% nhưng đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,5%. Với tỷ lệ hộ nghèo này, Tân Phước là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp ở huyện Lai Vung. Hiện trên địa bàn xã không còn tình trạng nhà tạm bợ.


Anh Trần Minh Kha chăm sóc vườn mít Thái của gia đình

Chia sẻ về kết quả trên, bà Lê Thị Trúc Ly – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước nói: “Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, xã Tân Phước đã tập trung các nguồn lực và đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo đà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Theo đó, để làm tốt công tác giảm nghèo, hàng năm, Tân Phước thực hiện nghiêm công tác điều tra và phân loại hộ nghèo. Trên cơ sở phân loại, UBND xã có kế hoạch và đề ra giải pháp phù hợp hỗ trợ cho từng nhóm hộ nghèo, triển khai đến từng ấp. Các ngành, đoàn thể xã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Trong đó, Tân Phước tập trung vào 3 lĩnh vực chính, trước hết là công tác tín dụng chính sách. Từ năm 2016 đến nay, Tân Phước đã triển khai cho vay ưu đãi với số tiền trên 30 tỷ đồng cho hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Bình quân mỗi năm có trên 20 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã được thoát nghèo nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Anh Trần Minh Kha ngụ ấp Tân Thạch, xã Tân Phước cho biết: Trước đây, vợ chồng anh không có ruộng đất phải đi làm thuê để nuôi 2 con nhỏ. Do việc làm không ổn định, nên thu nhập bấp bênh, nhà ở tạm bợ trên đất người thân. Đầu năm 2016, anh được địa phương xét cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Kha đã mượn thêm tiền của người thân để mua chiếc xe tải cũ và đi học bằng lái xe để bắt đầu với nghề mua bán dừa tươi. Vợ chồng anh lái xe tải xuống tận Vĩnh Long để thu mua dừa rồi trở về Đồng Tháp bỏ mối cho các quán nước. Nhờ chịu khó làm ăn, mỗi tháng, vợ chồng anh dư được 12 triệu đồng. Sau gần 4 năm chăm chỉ làm ăn và chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng anh Kha không chỉ thoát nghèo mà còn có dư tiền mua được mảnh đất trị giá 180 triệu đồng, trồng mít thái và xây được căn nhà kiên cố.

Ngoài chính sách cho vay ưu đãi, xã Tân Phước cũng rất chú trọng công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, nhất là chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ năm 2016 – 2020, xã đã mở 6 lớp dạy nghề nông nghiệp với hơn 120 học viên, nhiều học viên áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 1.960 lao động. Đặc biệt, toàn xã có 49 lao động đi làm việc có thời hạn ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Gia đình chú Huỳnh Văn Chót (ngụ ấp Tân Phú) là một điển hình thoát nghèo nhờ có con đi lao động ở Nhật Bản. Được biết trước đây, gia đình chú Chót thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 2 công ruộng sản xuất, đã vậy vợ chú Chót là cô Đặng Thị Sang lại mắc bệnh tim. Để mổ tim cho cô Sang, gia đình đã bán đi 2 công ruộng. Từ ngày đó, gia đình 4 thành viên (2 con còn đi học) chỉ sống nhờ vào việc bán vé số hàng ngày của chú Chót nên cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn.

Năm 2017, được các tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền, động viên, chú Chót cho con trai Huỳnh Văn Mua đi học tiếng Nhật và sang Nhật Bản lao động. Chú Chót cho biết, con chú đi làm trong xưởng cơ khí ở Nhật Bản. Mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng. Nhờ số tiền tiết kiệm con gởi về, chú Chót cất được căn nhà kiên cố trên 300 trăm triệu đồng, số còn lại chú gởi ngân hàng cho con trở về có vốn làm ăn.

Với quan niệm “An cư mới lạc nghiệp”, Tân Phước đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. 4 năm qua, toàn xã Tân Phước đã vận động cất được 40 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Trúc Ly cho biết thêm, công tác giảm nghèo của xã nhiệm kỳ qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo còn ỷ lại, trông chờ vào cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo; triển khai đồng bộ các hoạt động để Nhân dân được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo, vay vốn ưu đãi, tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội, chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và dạy nghề, tạo việc làm mới cho lao động... Đồng thời định hướng cụ thể công tác giảm nghèo, thực hiện các giải pháp thiết thực phù hợp với địa phương, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn