HUYỆN CAO LÃNH

Hiệu quả thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 03/05/2018 06:31:46

ĐTO -Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được UBND huyện Cao Lãnh triển khai, thực hiện từ năm 2011 mang lại cơ hội việc làm cho LĐNT trong thời gian nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập. Từ năm 2011 đến nay, hơn 6.000 học viên đã được hỗ trợ dạy nghề từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương, các nguồn khác; các nghề được đào tạo gồm: nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp.


Lao động nông thôn nhận gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ sau khi được đào tạo nghề

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT được thực hiện chặt chẽ theo đúng lộ trình, UBND huyện Cao Lãnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện đến năm 2020 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và thành lập Tổ Chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) huyện phối hợp cùng các hội đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, trường THPT, THCS thực hiện công tác tư vấn, tuyên truyền hoạt động dạy nghề, việc làm cho LĐNT, học sinh. Ban Chỉ đạo đã quán triệt chủ trương, chính sách, văn bản liên quan hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Đến nay, toàn huyện có 1.060 cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, công nghệ thông tin. Tại Phòng LĐ - TB&XH có cán bộ chuyên trách được phân công làm công tác quản lý đào tạo nghề.

Tránh tình trạng lãng phí trong công tác đào tạo nghề, Ban Chỉ đạo đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện. Kết quả khảo sát, đa số người dân chưa xác định được nghề học; người lao động chưa chú trọng nghề để học, người lao động sau khi học nghề không làm theo ngành nghề đã học, kinh phí mở lớp hạn chế... Từ thực tế trên, mỗi năm Phòng LĐ -TB&XH đều khảo sát, ghi nhận nhu cầu học nghề, mở lớp nghề tại các xã, thị trấn; đồng thời chủ động điều chỉnh các nghề theo nhu cầu của người dân và địa phương. Cách làm này đã góp phần đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT, hạn chế tình trạng học xong nghề nhưng không tìm được việc làm. Theo nhu cầu của LĐNT, thời gian học việc ngắn, số lượng hàng làm ra được tiêu thụ quanh năm, tạo việc làm trong thời gian nhàn rỗi cho LĐNT.

Tại xã Bình Thạnh, Nhị Mỹ, Ba Sao, Mỹ Thọ, Mỹ Long, người dân vẫn gắn bó với nghề đan thảm, đan lục bình, đan ghế nhựa, thu nhập mỗi ngày từ 50.000 - 100.000 đồng tùy theo số lượng gia công sản phẩm. Trước đây, hộ chị Nguyễn Kim Lan ngụ xã Mỹ Long đi làm công nhân tại Bình Dương, sau thời gian không làm nỗi, chị về quê tại xã Mỹ Long học nghề đan thảm. Mỗi ngày chị đan gia công giao cho mối hoặc bày bán thảm phía trước nhà. Chị Lan cho biết: “Thời gian rãnh, tôi nhận vải vụn về đan thảm, mỗi tấm thảm bán từ 6.000 - 8.000 đồng. Chỉ cần vài ngày là có thể học đan và nhận hàng về gia công, Nghề này rãnh thì làm, chịu khó cũng có tiền chi xài trong gia đình...”. Sau khi tham gia các lớp học nghề tại địa phương, hội đoàn thể, LĐNT không chỉ nhận hàng gia công mà còn nhận sản phẩm về giao lại những người xung quanh gia công, tạo việc làm, thu nhập.

Tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Cao Lãnh xác định công tác đào tạo nghề cho LĐNT phải xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; gắn với giải quyết việc làm, xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương. Giai đoạn 2017 - 2020, huyện đề ra chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT gần 4.000 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%. Đào tạo nghề trong nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp và phục vụ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; công tác xã hội hóa dạy nghề sẽ phát triển theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dạy nghề cho LĐNT; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục tư vấn, hướng nghiệp, tham gia hoạt động dạy nghề; quy mô đào tạo nghề, các loại hình đào tạo được mở rộng theo nhu cầu thị trường.

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn