Hiệu quả từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Cập nhật ngày: 13/07/2016 15:56:19

ĐTO - 5 năm qua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) được người dân toàn tỉnh hưởng ứng tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...


Người dân góp công cùng chính quyền địa phương làm cầu nông thôn

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần IX, nhiệm kỳ 2011-2015 đề ra chỉ tiêu: gia đình văn hóa 85%; khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa 85%; xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa 30%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 95%. Cụ thể các chỉ tiêu vào thực tiễn cuộc sống, Ban Chỉ đạo (BCĐ) XDĐSVH tỉnh tập trung thực hiện các nội dung: xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; xây dựng nếp sống văn minh trong lễ cưới, việc tang; xây dựng phong trào khuyến học; nhân rộng các mô hình kinh tế giúp nhau thoát nghèo; xây dựng gia đình, khóm, ấp, xã, phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, công tác tuyên truyền luôn được BCĐ XDĐSVH các địa phương quan tâm thực hiện. Có nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) ra đời, duy trì sinh hoạt thường xuyên như: CLB gia đình phát triển bền vững, CLB ông, bà mẫu mực con cháu hiếu thảo, CLB phòng, chống bạo lực gia đình,... Trong các buổi sinh hoạt, các cán bộ xã, phường tuyên truyền cho người dân về phong trào XDĐSVH;  hướng dẫn bà con tổ chức tiệc, lễ trong không khí tao nhã tránh gây tiếng ồn và tiết kiệm. Một trong những mô hình góp phần làm cho phong trào XDĐSVH ngày càng phát triển là CLB gia đình phát triển bền vững ở các xã, phường, thị trấn. CLB này đã kịp thời giải quyết các vụ bạo lực gia đình, tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ngoài ra, BCĐ XDĐSVH các huyện, thị, thành chỉ đạo các xã, phường phối hợp hội đoàn thể tích cực tuyên truyền XDĐSVH cho hội viên; cho mỗi hội viên làm cam kết XDĐSVH, cam kết không bạo lực gia đình, không có con em vi phạm pháp luật.

Toàn tỉnh hiện có 455 CLB gia đình phát triển bền vững, 169 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 628 địa chỉ tin cậy, đã góp phần kiềm chế tình trạng bạo lực gia đình; có gần 180.000 gia đình học tập, 212 dòng họ học tập và 136 cộng đồng học tập giúp cho hàng ngàn lượt con em nghèo khó khăn tiếp tục đến trường.

Qua phong trào, có nhiều mô hình giúp nhau làm kinh tế thoát nghèo như: vận động hùn vốn xoay vòng cất nhà kiên cố, xây dựng cánh đồng liên kết, góp vốn chăn nuôi thoát nghèo trong hội viên cựu chiến binh...; việc vận động xã hội hóa xây dựng cầu, đường nông thôn phát triển mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực xây dựng các thiết chế văn hóa, các nhà văn hóa khóm ấp; trung tâm học tập cộng đồng tại một số địa phương, góp phần tạo điều kiện cho người dân vui chơi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Nhiều địa phương làm tốt phong trào XDĐSVH như: phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh xây dựng phường văn minh đô thị; huyện Tháp Mười đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa tạo điều kiện cho người dân vui chơi giải trí lành mạnh... Những năm qua, có nhiều gia đình, cá nhân, tập thể được xã, huyện, tỉnh bình xét tôn vinh nhân Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc...

Trong giai đoạn 2011-2015, gia đình văn hóa đạt trung bình 87,97% mỗi năm. Năm 2015, toàn tỉnh có 552/586 ấp đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 106/115 khóm đạt chuẩn khóm văn minh đô thị, 117/119 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 16/25 phường, thị trấn, đạt chuẩn văn minh đô thị, 1.483/1.555 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác XDĐSVH tại các địa phương; nâng cao nhận thức của mỗi gia đình trong việc XDĐSVH; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa được đầu tư tại khu vực nông thôn. Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH (2011-2015) của tỉnh, đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả đạt được của phong trào TDĐKXDĐSVH trong 5 năm, đồng thời nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mỗi hộ gia đình và của từng cá nhân để góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, văn minh, hiện đại. Phó Bí thư cho rằng, bên cạnh mặt được, phong trào vẫn còn một số tồn tại về an ninh, trật tự tại địa phương như: tệ nạn trộm cắp, thanh thiếu niên càn quấy đêm khuya,... Đồng chí đề nghị BCĐ XDĐSVH từ tỉnh đến huyện có cách nhìn đúng đắn, khắc phục những tồn tại để phong trào ngày càng chất lượng hơn. Làm tốt phong trào TDĐKXDĐSVH chính là góp phần tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp văn minh, hiện đại, hiền hòa, thân thiện.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn