Huy động nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn

Cập nhật ngày: 19/08/2015 11:17:06

Có dịp về huyện Châu Thành, chúng tôi mới tận mắt thấy những tuyến đường giao thông liên xã, ấp được trải nhựa và bê-tông hóa. Nhiều công trình đã và đang được xây dựng mới thay cho những con đường lầy lội, chật hẹp trước đây.


Người dân tích cực tham gia xây dựng cầu nông thôn

Để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ, địa phương có kế hoạch cụ thể về việc huy động nguồn lực xã hội xây dựng giao thông nông thôn. Qua triển khai kế hoạch, từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, tham gia tạo thành phong trào trong toàn xã hội, khuyến khích mọi người dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn.

Từ năm 2012 đến tháng 5/2015, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 158 cây cầu bê-tông và cầu gỗ; xây dựng mới và nâng cấp 202 tuyến đường với tổng chiều dài trên 314km. Tổng kinh phí xây dựng trên 91 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 57,5 tỷ đồng; nhân dân, mạnh thường quân và doanh nghiệp đóng góp hơn 33,5 tỷ đồng và 1.000m3 đá trải đường. Ngoài việc đóng góp bằng tiền, nhân dân trên địa bàn huyện còn hiến gần 118.000m2 đất để làm giao thông và hàng chục ngàn ngày công lao động.


Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện từng bước hoàn thiện

Theo UBND huyện Châu Thành, tính riêng 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh là: Tân Nhuận Đông, An Khánh và An Phú Thuận, đã tập trung xây dựng, nâng cấp được 36 cây cầu bê-tông, 64 tuyến đường với tổng chiều dài gần 130km, tổng kinh phí xây dựng khoảng 42 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 35 tỷ đồng; nhân dân, mạnh thường quân và doanh nghiệp đóng góp gần 7 tỷ đồng; nhân dân hiến 70.220m2 đất để xây dựng cầu đường nông thôn và hàng ngàn ngày công lao động.

Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ tỉnh để đầu tư nâng cấp một số công trình giao thông do tỉnh quản lý, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cụ thể, công trình cầu Cái Đôi với tổng kinh phí đầu tư 65 tỷ đồng (kể cả vốn bồi thường) từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Hệ thống cầu Rạch Tre, Cả Ngổ, Rạch Chùa 2, Rạch Gia, Rạch Cầu và cầu Bằng Lăng với tổng kinh phí đầu tư trên 32 tỷ đồng. Bến phà An Hiệp với tổng kinh phí đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Từ đó, góp phần xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Có thể thấy, nhờ huy động có hiệu quả nhiều nguồn lực trong xây dựng giao thông nông thôn, đến cuối năm 2014, toàn huyện có 5/11 xã cơ bản đạt tiêu chí số 2 về giao thông gồm: An Phú Thuận, Tân Nhuận Đông, Tân Bình, An Hiệp, Tân Phú, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ở nông thôn.

Theo UBND huyện Châu Thành, bước đầu, việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng giao thông nông thôn đạt được kết quả tích cực, phát huy ý thức tự giác và huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội. Công tác huy động mức đóng góp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng người dân trên từng địa bàn, từ đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Bên cạnh đó, nhờ kết hợp tốt việc huy động nội lực trong dân với huy động các nguồn lực từ bên ngoài nên công tác huy động nguồn lực xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn