Chị Trần Thị Điệp

Gương điển hình về vượt khó, thoát nghèo

Cập nhật ngày: 17/08/2015 12:08:33

Ở xã Phú Long, huyện Châu Thành khi nhắc đến chị Trần Thị Điệp (SN 1976), ngụ ấp Phú Bình, nhiều người rất nể phục vì sự đảm đang, chịu khó trong lao động của người phụ nữ này.


Chị Trần Thị Điệp (đứng) tích cực dạy nghề miễn phí cho nhiều lao động nữ

Không có ruộng đất, không nghề nghiệp, vợ chồng chị Điệp sống chủ yếu bằng nghề làm thuê làm mướn, 2 con còn nhỏ nên dù rất nỗ lực nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 2012, tai vạ lại ập xuống gia đình nhỏ của chị Điệp. Trong lúc làm việc ở một nhà máy xay lúa, anh Lương Minh Tùng, chồng chị Điệp bị tai nạn lao động đứt lìa cánh tay trái, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn.

Chị Trần Thị Điệp nhớ lại: “Chồng em là lao động chính trong gia đình nên lúc bị tai nạn, gia đình rất khổ. Con thì còn nhỏ, đứa lớn mới 12 tuổi, đứa nhỏ chỉ 6 tháng tuổi. Nhà không có tiền phải vay mượn khắp nơi để lo điều trị bệnh cho anh. Rất buồn nhưng em không thể buông xuôi và cố gắng động viên chồng phải nỗ lực vượt qua gian khổ với mình”.

Thấy bản thân cần thiết phải học nghề để gánh vác gia đình, đầu năm 2013 chị Điệp tham gia học nghề đan ghế nhựa do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Long phối hợp tổ chức ở địa phương. Thời gian đầu sau khi học nghề, chị nhận sản phẩm về nhà gia công với thu nhập trung bình 100.000 đồng/ngày. Từ từ, nắm bắt được nghề đan ghế nhựa có khả năng phát triển tốt ở địa phương do lượng lao động nhàn rỗi còn khá nhiều, chị Điệp bàn bạc với gia đình cho chị lên TP.HCM học nâng cao thêm tay nghề đan ghế nhựa để tìm cơ hội hợp tác mở cơ sở gia công ghế nhựa tại nhà nhằm giúp kinh tế gia đình phát triển.

Đầu năm 2014, nhận thấy mô hình đan ghế nhựa có khả năng giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho chị em phụ nữ ở địa phương, chị Trần Thị Điệp chủ động phối hợp với Hội LHPN xã Phú Long hướng dẫn nghề đan ghế nhựa miễn phí cho chị em phụ nữ ở địa phương. Qua sự hướng dẫn tận tình của chị Điệp, đến nay có hơn 200 người dân và hội viên phụ nữ  xã Phú Long thành thạo nghề, với thu nhập trung bình mỗi ngày từ 50.000 đồng trở lên.

Chị Trần Thị Điệp cho biết: “Khi dạy nghề cho chị em, tôi cũng thường tâm sự hoàn cảnh gia đình mình và động viên các chị phải kiên trì, cố gắng học nghề để vươn lên, nhiều chị cũng lắng nghe, học tập. Hiện sản phẩm ghế nhựa rất hút hàng nên thời gian tới tôi sẽ mở rộng dạy nghề đan ghế nhựa cho chị em phụ nữ ở một số địa phương khác nhằm giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”.

Công việc làm ăn thuận lợi, sau một thời gian phấn đấu, bằng sự nỗ lực của bản thân, kinh tế gia đình của gia đình chị Trần Thị Điệp từng bước ổn định. Đến cuối năm 2014, gia đình chị Trần Thị Điệp đã được địa phương đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo và vợ chồng chị cũng đã tích góp cất được căn nhà trị giá gần 100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Bé Sáu - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Long cho biết: “Chị Điệp là tấm gương điển hình về vượt khó vươn lên trong cuộc sống ở địa phương. Từ sự hướng dẫn của chị, nhiều hội viên đã có nghề đan ghế nhựa và có thu nhập ổn định. Chúng tôi thường nêu gương của chị để các hội viên khác học tập”.

Chỉ qua một thời gian ngắn phấn đấu, vượt khó, bản thân chị Trần Thị Điệp đã giúp cho kinh tế gia đình từng bước ổn định và đang tiến đến mục tiêu thoát nghèo bền vững, đồng thời hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo như mình.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn