Lai Vung tích cực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Cập nhật ngày: 28/03/2014 06:16:29
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Lai Vung còn tình trạng trẻ bị xâm hại, bị bạo lực, rơi vào các tệ nạn xã hội. Nhằm để góp phần bảo vệ, giúp các em có cuộc sống tốt hơn, nâng cao ý thức của các bậc cha mẹ trong việc quan tâm chăm sóc, nuôi dạy con, đầu năm 2013, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện triển khai thực hiện hai mô hình điểm tại 5 xã Hòa Thành, Tân Hòa, Vĩnh Thới, Long Hậu, Tân Dương. Đó là mô hình trợ giúp trẻ em mồ côi khuyết tật và mô hình phòng ngừa, giúp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực dựa vào cộng đồng.
Trao quà cho trẻ em học tại Trường Giáo dưỡng số 5 (ảnh minh họa)
Để thực hiện mô hình, cán bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các đoàn thể xã thực hiện công tác tuyên truyền. Hàng quý, mỗi xã tổ chức truyền thông nhóm về nội dung chăm sóc trẻ em, luật bảo vệ trẻ em, quyền và lợi ích của trẻ em. Cán bộ LĐ-TB&XH trực tiếp vận động các gia đình chăm sóc tốt trẻ em. Đoàn thanh niên các xã tổ chức các hoạt động vui chơi vào những ngày lễ lớn trong năm. Qua đó, các em có điều kiện trao đổi, học tập, xóa bỏ mặc cảm (đối với những em bị bạo lực và tái hòa nhập cộng đồng, những em từng phạm sai lầm). Bên cạnh truyền thông, mô hình đã góp phần can thiệp, trợ giúp cho trên 30 em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đưa 2 em vào học tập tại Trường Giáo dưỡng số 5, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; hỗ trợ 16 em khó khăn, mỗi em 900 ngàn đồng, 14 em được hỗ trợ dụng cụ học tập và 600 ngàn đồng/em; giúp 2 trẻ mồ côi khuyết ở xã Tân Hòa và 1 trẻ ở xã Hòa Thành được phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch; hỗ trợ học nghề đối với những em có nguyện vọng.
Em Huỳnh Trọng Phát (SN 1998) ngụ ấp Long Thành, xã Long Hậu do hoàn cảnh gia đình nghèo nên phải nghỉ học sớm phụ giúp gia đình, sau đó tham gia đá gà, đánh bài. Qua vận động của cán bộ LĐ-TB&XH xã và đoàn thể, em sửa đổi và được Phòng LĐ-TB&XH huyện hỗ trợ học nghề sửa xe gắn máy với số tiền trên 20 triệu đồng. Hiện nay, em học xong và có việc làm ổn định ở một cửa hàng sửa xe gắn máy tại thị trấn Lai Vung. Em tâm sự: “Học được nghề sửa xe em mừng lắm. Hiện nay, em làm được 1 triệu đồng/tháng, cha mẹ em rất mừng vì em đã thay đổi”. Em Nguyễn Thị Yến Nương ngụ ấp Long Phú, xã Hòa Long cho biết, do nghe lời bạn bè nên nghỉ học sớm, được tổ tư vấn ở xã đến tư vấn giúp đỡ nên em đi học nghề cắt tóc. Hiện em đi làm và có thu nhập ổn định.
Qua một năm triển khai thực hiện hai mô hình, trên 70% trẻ địa bàn 5 xã có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặt biệt được phát hiện và can thiệp sớm, 100% trẻ bị xâm hại đều được tư vấn chăm sóc sức khỏe kịp thời.
Nhìn chung, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể địa phương nên công tác bảo vệ trẻ em của các xã hoạt động tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định. Ông Nguyễn Văn Tường - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Lai Vung nói: “Thời gian qua công tác bảo vệ trẻ em được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát kịp thời của cấp ủy, UBND huyện. Tuy nhiên, việc triển khai hai mô hình này vẫn còn khó khăn do lần đầu tiên thực hiện nên cán bộ cấp xã còn lúng túng. Dựa trên kết quả đạt được, hướng tới chúng tôi tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình ra các xã còn lại, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về công tác bảo vệ trẻ em”.
Mỹ Xuyên