Mùa mưa, người dân cần chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 04/07/2016 13:20:48

ĐTO - Thời gian qua, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng gia tăng về số lượng ca mắc bệnh. Dự báo tình hình SXH vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong mùa mưa. Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2016?


Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn (TS. N.N.A.): Tính đến tuần 25 của năm 2016, tỷ lệ mắc SXH/100.000 dân = 114,37ca, tăng 56% so với trung bình 5 năm 2006-2010; tăng 266,07% ( tăng 1.482 ca) so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, số mắc SXH cộng dồn có chiều hướng ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.039 ca mắc bệnh với 130 ca bệnh nặng và đáng mừng là chưa có trường hợp nào tử vong.

Riêng tuần 25, số mắc SXH trên địa bàn tỉnh là 50 ca, trong đó có 4 ca bệnh nặng. Các địa phương có số ca bệnh cao là: TP.Cao Lãnh (15 ca), huyện Cao Lãnh (11 ca), huyện Hồng Ngự (5 ca). Theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình SXH tuần này có chiều hướng ổn định. Số ca mắc SXH trong tuần 25 phân bố rải rác, tăng 2 ca (tăng 4,2%) so với tuần 24.


Biểu đồ theo dõi sốt xuất huyết theo tuần và năm

PV: Số ca mắc bệnh tăng 56% so với trung bình 5 năm (2006 - 2010. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của việc gia tăng này?

TS. N.N.A.: Có nhiều nguyên nhân gây nên số mắc cao hơn các năm trước, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chu kỳ dịch tự nhiên. Nhiều năm liền số ca mắc thấp, dẫn đến tích tụ quần thể chưa được miễn dịch nhiều lên nên số mắc tăng trở lại. Cần lưu ý rằng, nói từ đầu năm đến nay số mắc SXH tăng là không chính xác. Thực tế theo dõi trên biểu đồ giám sát dịch ta thấy, từ đầu năm đến nay, bệnh SXH vẫn trên chiều hướng giảm theo thông lệ mùa dịch (biểu đồ đi xuống vào mùa khô). Ngoài ra, do đuôi của mùa dịch năm trước còn cao và điểm bất thường năm nay là số mắc không giảm thấp vào mùa khô (khoảng 20 ca/tuần), số ca mắc tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao (50-100 ca/tuần) nên tổng số mắc cao hơn các năm trước.

PV: Ngành y tế đã thực hiện những giải pháp gì để phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh SXH?

TS. N.N.A.: Về chỉ tiêu giảm mắc, ngành y tế đã chủ động ngay từ đầu năm, giám sát và xử lý từng ca bệnh; chủ động dùng biện pháp kỹ thuật, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng ở từng ổ dịch nhỏ; tổ chức nhiều chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống dịch...

Về chỉ tiêu giảm tử vong, ngành đã tổ chức tập huấn lại cho đội ngũ giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, khám điều trị thích hợp; tập huấn lại và cập nhật phác đồ điều trị cho khối bệnh viện, trang bị đầy đủ thuốc men, dịch truyền, máy móc, trang thiết bị... để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đầu năm đến nay chưa có ca SXH nào tử vong tại tỉnh Đồng Tháp.

PV: Ông nhận định như thế nào về diễn biến dịch bệnh SXH trong thời gian tới? Những khuyến cáo của ngành y tế với người dân trong việc chủ động phòng, chống bệnh SXH?

TS. N.N.A.: Trong mùa khô mà số mắc còn cao nên dự báo năm nay nguy cơ dịch sẽ xảy ra vào mùa mưa. Do vậy, người dân cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Ngày nay, hầu hết người dân đều hiểu khá rõ về bệnh SXH và biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, việc thực hành phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn lơ là, nơi nào chính quyền, đoàn thể vào cuộc mạnh thì người dân hưởng ứng tốt. Do đó, công tác này rất cần thiết có sự tham gia của các đơn vị truyền thông để duy trì mạnh mẽ việc thực hành phòng, chống dịch trong nhân dân. Cơ quan truyền thông cần phối hợp với y tế để đưa đến người dân những thông điệp cụ thể và thiết thực để nhân dân có thể áp dụng, phòng chống dịch hiệu quả nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phước Lộc (Thực hiện)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn