Xã An Khánh

Ngày xưa gian khó - ngày nay xuân thời

Cập nhật ngày: 27/04/2015 14:06:52

Xã An Khánh (huyện Châu Thành) từng là vùng căn cứ cách mạng, chiến tranh ác liệt. Sau giải phóng, An Khánh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và đang từng ngày đổi mới.

An Khánh phát triển hệ thống giao thông đường bộ

Thời kỳ chống Mỹ, An Khánh là vùng căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Vĩnh Long và Huyện ủy Châu Thành. Khoảng tháng 7/1945, chi bộ Đảng đầu tiên ở An Khánh thành lập với 7 đảng viên. Ngay sau đó, Chi bộ đã lãnh đạo quân và dân An Khánh chiến đấu, lập nhiều chiến công hiển hách. Năm 1968, địch đưa về An Khánh 3 đại đội Bảo an; xây dựng 14 đồn bót lớn, nhỏ; lập tề xã... Lực lượng địch hùng hậu chưa từng có trên đất An Khánh. Bọn chúng đi càn quét, bắn phá vào vườn tược, làng xóm. Nhiều người dân phải bỏ nhà cửa, 3/4 diện tích ruộng đồng bị bỏ hoang. Cuộc sống người dân rơi vào cảnh nguy khốn. Song, quân và dân An Khánh vẫn bám trụ chống địch.

Mùa khô năm 1974 - 1975, chi bộ xã An Khánh tiếp tục lãnh đạo quân và dân địa phương đánh chiếm được đồn Hai Lách, Chùm Giuột, Mương Ranh...; tề xã An Khánh bỏ chạy. Đến ngày 30/4/1975, xã An Khánh chỉ còn 2 đại đội lao công đào binh. Tối cùng ngày, bọn địch này cũng đầu hàng. Sáng ngày 1/5/1975, xã An Khánh hoàn toàn giải phóng.

Trong chiến tranh, quân và dân An Khánh nếm trải biết bao hy sinh, gian khổ. Năm 1995, xã An Khánh vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Ông Đỗ Văn Sung (84 tuổi), cán bộ nghỉ hưu ở ấp An Hưng, xã An Khánh nhớ lại: Thời kháng chiến, An Khánh là vùng căn cứ cách mạng nên rất ác liệt. Lúc đó, xã nghèo nàn, lạc hậu về kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, kham khổ, thường đói ăn, thiếu mặc...

Sau giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Khánh đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Bí thư Trường trực Đảng ủy xã An Khánh: Ngày hòa bình, An Khánh tiến hành ngay việc kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ chi bộ xã An Khánh ban đầu, đến nay đã phát triển thành Đảng bộ với trên 300 đảng viên. Tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội có những bước phát triển đột phá; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt; an ninh trật tự được giữ vững.

Sản xuất nông nghiệp từng bước đổi mới; đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong 5 năm qua, tổng diện tích gieo trồng lúa gần 5.600ha, sản lượng ước đạt trên 35.500 tấn. Đặc biệt, từ khi bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới thì diện mạo An Khánh càng khởi sắc hơn. Từ năm 2011 đến nay, địa phương bắc 11 cây cầu, xây mới và sửa chữa 30,9km đường giao thông. Đến nay, An Khánh đạt 14/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhiều gia đình có các phương tiện phục vụ sinh hoạt như: xe máy, tivi, điện thoại...; trên 99% hộ dân sử dụng nước sạch và điện quốc gia. Địa phương quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Năm 2010, An Khánh có đến 15,2% hộ nghèo thì đến nay giảm còn 3,91%. Phong trào thể dục thể thao được củng cố và duy trì hoạt động thường xuyên.

Ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1949) ở ấp An Hưng, xã An Khánh cho biết: “Nhớ mấy chục năm về trước, đời sống nhân dân cực khổ lắm. Xuồng, ghe là phương tiện lưu thông chính. Bây giờ, cầu, đường được xây dựng nhiều; trạm y tế, trường học, nhà cửa... khang trang. Tôi cảm thấy rất vui trước sự đổi mới của xã nhà”.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, một thời chiến đấu gian khổ mà oanh liệt nay chỉ còn trong ký ức. Để viết tiếp trang sử hào hùng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Khánh đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn