Nghề xịt lúa mướn

Cập nhật ngày: 21/11/2012 05:07:16

Nghề xịt lúa mướn được nhiều người dân nông thôn có kinh tế gia đình khó khăn chọn làm do thu nhập ổn định. Tại xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, một số dân nghèo, không có đất sản xuất tham gia nghề này.


Nhóm xịt thuốc của anh Nguyễn Văn Thái - ấp Lợi An, xã Thanh Mỹ,
huyện Tháp Mười chuẩn bị xịt thuốc lúa

Đồ nghề gồm chiếc bình xịt và một số vật dụng khác trị giá gần 2 triệu đồng. Thường những người xịt lúa mướn cùng xóm hợp nhau thành nhóm.

Nhóm xịt lúa thuê của anh Phạm Văn Mởi, ngụ tại ấp Lợi An, xã Thanh Mỹ có 4, 5 anh em. Nhờ làm lâu năm có kinh nghiệm và thao tác phun xịt nhuần nhuyễn nên có ngày một người xịt lúa mướn có thể xịt đến 40 công ruộng; thu nhập từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng (tùy theo mùa vụ).

Do người dân làm ruộng quanh năm trong khi nhà họ không có hoặc không đủ người phun xịt lúa nên nhu cầu thuê phun xịt lúa rất lớn (một số hộ dân tại xã Thanh Mỹ có từ vài công đến vài chục công ruộng). Hộ chú Phạm Văn Trắc, ấp Lợi An làm gần 70 công đất nên phải thuê 1 lúc 4 đến 5 người xịt thuốc, tiền công thuê mướn mỗi lần phun xịt xong một bình là 10.000 đồng. Do làm thuần thục lâu năm nên theo anh Phạm Văn Mau, ấp Lợi An, khi vào mùa vụ xịt thuốc từ sáng đến chiều, một người xịt tối đa khoảng 40 công ruộng.

Đa số người sống bằng nghề xịt lúa mướn tự đầu tư thiết bị máy móc, tự mày mò kinh nghiệm, pha thuốc theo lời chủ ruộng yêu cầu. Những người làm nghề này thường để tay chân trần không có thiết bị bảo hộ lao động, chỉ một số ít đeo khẩu trang.

Đề cập đến nghề xịt lúa thuê tại địa phương, anh Phạm Duy Thông, cán bộ làm công tác giảm nghèo xã Thanh Mỹ cho biết: “Hiện tại diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã hơn 3.000 ha. Nghề xịt lúa thuê, phát triển trong toàn xã, tập trung nhiều tại ấp Lợi An, đa số người dân làm nghề này không có đất sản xuất. Đây là nghề mang tính dịch vụ nông thôn, góp phần giúp nông dân chăm sóc cho đồng ruộng, nghề này cũng giúp cho lao động làm thuê có thu nhập, ổn định cuộc sống...”.

Vấn đề còn lại, các đoàn thể địa phương cần tập hợp những người phun xịt lúa thuê để tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe đến họ. Đây cũng là cách giúp những người phun xịt lúa thuê có được cuộc sống ổn định, bền vững.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn