Sạt lở: xóm Cây Da - Ông Yên... hết bình yên!
Cập nhật ngày: 10/07/2020 10:36:23
ĐTO - Gần đây, sạt lở bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Đồng Tháp nói riêng ngày càng gia tăng cả tần suất và quy mô. Đáng lưu ý, sạt lở không chỉ xảy ra ở các con sông lớn, vùng thượng nguồn mà còn ở cả các huyện cuối nguồn, phía Nam của tỉnh, gây bất an cho người dân. Điển hình là vụ sạt lở ngày 14/6 ở đoạn từ cầu Cây Da - cầu Ông Yên (tuyến Nha Mân - Phú Long), xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, làm sụp lở đoạn đường hơn 50m, khiến nhiều người dân bàng hoàng, nhất là những người dân sống ven sông nơi đây.
Ngày 12/6, đoạn gần cầu Cây Da xảy ra sụp lở một đoạn đường dài khoảng 50m, lở sâu vào đất liền 4m, sâu trên 4m
Lo sạt lở!
Về vụ sạt lở hơn nửa tháng qua, ông Phạm Văn Thạnh ở ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông kể: “Hôm đó, khoảng hơn 2 giờ 30 phút sáng, một người phụ nữ đi chợ khi gần đến đoạn cầu Cây Da thì xảy ra hiện tượng sụp lở đất khiến người này cùng xe lọt thỏm xuống sông. May mà mọi người hô hoán cứu giúp nên người này không sao. Năm 2019, Nhà nước đâu tư cả trăm tỷ làm đường, chúng tôi vô cùng vui mừng. Nhưng rồi, từ hớn hở chúng tôi lại lo lắng, thất vọng khi đường vừa đổ nhựa xong là sụp lún luôn tới nay”.
Theo ông Thạnh, trước khi sạt lở làm người dân rơi xống sông 1 ngày thì đoạn này đã xảy ra sạt lở một đoạn dài 50m, nhưng do con đường mới làm được hơn 1 năm, lại có kè chống đỡ nên ai cũng nghĩ không sạt lở thêm, đường còn đi được nên mới có vụ việc bị sụp lở, người và xe rơi xuống sông. Hiện tượng sụp lún, sạt lở tại đây xuất hiện từ từ, tức là sau khi làm đường thì một số đoạn xuất hiện răn nứt nhỏ, sau đó rộng ra rồi sụp đất xuống, có đoạn sụp 3 - 4 tầng đất.
Hằng ngày đi chợ qua lại đoạn đường này, bà Nguyễn Thị Bé Hai (xã Tân Nhuận Đông) cho biết, lúc đầu bà đi ngang thấy một số đoạn răn nứt nhỏ nhưng qua vài đám mưa thì bắt đầu nứt lớn rồi sụp lún tới bây giờ. “Hồi trước nghe nói sạt lở đất thì chỉ nghĩ là ở miệt Hồng Ngự, Thanh Bình mới có, còn ở vùng này không phải là khu vực khai thác cát, lại có kè mà làm sao lở được, vậy mà đường làm xong là sụp lún đất rồi sạt lở luôn. Giờ người dân ở đây chỉ mong Nhà nước sớm làm kè, làm đường để người dân an tâm sinh sống, vì để càng lâu, sóng đánh nhiều thì càng sạt lở, không còn con đường nào mà đi...” - bà Hai lo lắng.
Qua quan sát của chúng tôi, ngoài đoạn sạt lở này, dọc theo tuyến đường dài khoảng 5km thuộc đoạn Nha Mân – Phú Long này có 4 - 5 đoạn sạt lở, có những đoạn sụp lún rất sâu khoảng 1 - 2 tấc, mặt đường chia cắt 2,3 tầng khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.
Ông Trần Văn Tho (tổ 15, ấp Tân Thanh, xã Tân Nhuận Đông) cho biết, mấy năm trước chưa có tình trạng sạt lở này, ông bán nhãn chỉ cần kêu là thương lái chạy xe tải đến mua liền. Còn khoảng hơn 1 năm nay đường sụp lở, xe tải không vào được nên phải chia nhỏ và vận chuyển ra đường lớn giao cho lái, khiến chi phí đội lên nhiều. “Sạt lở thì không ai muốn nhưng do đây là tuyến đường chính cho việc đi lại, lưu thông của chúng tôi nên điều mong mỏi của người dân bây giờ là Nhà nước sớm nghiên cứu làm lại bờ kè nơi đây để người dân được yên tâm, bởi nếu kéo dài ngày nào là sạt lở lớn dần ngày nấy”, ông Tho kiến nghị.
Tại các điểm sụp lún, UBND xã đã mua đất lò gạch vô bao be lại nhằm hạn chế sóng đánh hất cát ra ngoài, sụp lún nghiêm trọng hơn
Mong được xây bờ kè
Ông Đặng Minh Đông - Chủ tịch UBND xã Tân Nhuận Đông cho biết, hiện nay tình trạng sạt lở 2 bờ từ sông Nha Mân đến giáp ranh xã Phú Long diễn ra tương đối phức tạp, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là từ cầu Cây Da - cầu Ông Yên (thuộc 2 ấp Tân Hòa, Tân Thanh). Năm 2019, sau khi đoạn đường này tưới nhựa mặt đường thì bắt đầu có hiện tượng sụp lún rải rác và ngày càng nhiều cho đến nay.
Tình trạng sụp lún, sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 12 và 14/6. Cụ thể, lúc 4 giờ 30 phút ngày 12/6, đoạn gần cầu Cây Da xảy ra sụp lở một đoạn đường dài khoảng 50m, lở sâu vào đất liền 4m, sâu trên 4m. Nhận được tin báo, UBND xã đã vào kiểm tra và trình UBND huyện, sau đó làm rào chắn không cho xe 3-4 bánh lưu thông, đồng thời thông báo trên loa phóng thanh về tình hình sụp lún ở tuyến đường đó để người dân phòng tránh. Tuy nhiên, chỉ cách 1 ngày, tức buổi sáng ngày 14/6 xảy ra hiện tượng sụp lún, sạt lở hai đầu tiếp giáp, phía trong sụp lở dài khoảng 10m, phía ngoài dài khoảng 7m khiến một người dân và xe máy rớt xuống sông trong lúc đi chợ vào buổi sáng.
Do sạt lở tuyến đường chính không đi lại được nên UBND xã đã chỉ đạo tạo một con đường mòn vòng vô rạch Cây Da, cách đó hơn 1km để tiện cho việc buôn bán, đi lại của người dân và học sinh. Bên cạnh đoạn đường này, những đoạn đường gần đó cũng có hiện tượng sụp lún, răn nứt khá nhiều. Để ứng phó, UBND xã đã chỉ đạo ven lưới ren tại các điểm sụp lún đó, đồng thời mua đất lò gạch bỏ vô bao be lại nhằm hạn chế sóng đánh hất cát ra ngoài, sụp lún nghiêm trọng hơn.
Sụp lún trong bờ kè
Cũng theo ông Đông, ngoài tuyến bờ phía cầu Cây Da - Ông Yên thì phía bờ tuyến tỉnh lộ ĐT854 khoảng 5-6 tháng nay cũng xảy ra hiện tượng sụp, sạt lở đất, có một số đoạn sụp lún khoảng 2-3 tấc, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Hiện nay đang vào mùa mưa nên tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng do nền đất yếu, sóng đánh vào bờ khá mạnh. Đặc biệt, đoạn cầu Cây Da - cầu Ông Yên nếu tình trạng sụp lún, sạt lở này càng nghiêm trọng sẽ có 11 hộ với 24 nhân khẩu cần phải di dời khẩn cấp. Trước tình hình này, để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, địa phương đã trình UBND huyện kiến nghị tỉnh sớm xây dựng bờ kè khu vực sạt lở để hạn chế sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ổn định tâm lý cho người dân nơi đây.
Ông Võ Đình Trọng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, từ số liệu đo bình đồ lòng rạch cho thấy đáy kênh sâu, hẩm. Khoảng cách từ chân bờ đến lạch nước sâu khoảng 5m, cao độ biến đổi từ -2m đến -4m; vận tốc dòng chảy lớn làm xoáy thẳng vào chân bờ làm trôi mất phần đất chân bờ, mái kênh bị sụp kéo theo vật kiến trúc xung quanh.
Do sạt lở ngày càng phức tạp, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham mưu UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ huyện khắc phục đoạn đã bị sụp lún, sạt lở rạch Nha Mân – Tư Tải thuộc xã Tân Nhuận Đông. Tổng chiều dài cần khắc phục khoảng 150m, giải pháp xây dựng kè bê tông cốt thép.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, sạt lở xảy ra tại 15 xã, phường, thị trấn của 3 huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh và Thanh Bình. Tổng chiều dài sạt lở 23,7km, diện tích sạt lở khoảng 1,53ha. Ước thiệt hại sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu những tháng đầu năm 2020 khoảng 3,45 tỷ đồng.
Riêng sạt lở nội đồng xảy ra 23 vụ tại các huyện: Cao Lãnh, Thanh Bình, Hồng Ngự và Châu Thành với tổng chiều dài sạt lở là 897m, diện tích 3.791m2 gây ảnh hưởng đến 7 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 1,32 tỷ đồng.
|
Mỹ Nhân