Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Cập nhật ngày: 04/05/2018 16:01:22

Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, TP.Sa Đéc đã có nhiều hoạt động tăng cường kiểm tra, kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm tạo sự yên tâm cho người dân, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, chất lượng của các chủ cơ sở.


Kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất nem Tuấn Phát. Ảnh: Thanh Nghĩa

Tại Co.op mart Sa Đéc, địa điểm cung cấp những mặt hàng thực phẩm thiết yếu hàng ngày cho người dân tại TP.Sa Đéc và các địa phương lân cận thì việc đảm bảo an toàn, chất lượng cho các sản phẩm luôn được chủ cơ sở quan tâm. Siêu thị đã thành lập bộ phận kiểm tra chất lượng với đội ngũ nhân viên được huấn luyện chuyên môn nhằm đảm bảo việc kiểm soát được chặt chẽ. Bà Phạm Thị Tuyết Mai - Giám đốc Co.op mart Sa Đéc cho biết: “Trong quá trình kinh doanh, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá, Co.op mart Sa Đéc chọn lựa những sản phẩm và những nhà cung cấp có đầy đủ những giấy tờ, nguồn gốc, xuất xứ đạt tiêu chuẩn VietGAP. Co.op mart xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra và có những đợt kiểm tra, test để chọn sản phẩm đạt chất lượng”.

Cũng với ý thức sản xuất vì sức khỏe người tiêu dùng, hơn 30 năm sản xuất sản phẩm nem, bà Đặng Thị Bé - chủ cơ sở Tuấn Phát ở khóm 3, phường 2, TP.Sa Đéc cho biết luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu để cho ra những sản phẩm an toàn. Ngoài cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư thiết bị, máy móc, chủ cơ sở cũng trang bị cho công nhân những kiến thức cần thiết trong quá trình sản xuất như khám sức khỏe, trang bị bảo hộ lao động, tuân thủ vệ sinh trong suốt các khâu.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm là hoạt động để tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Bác sĩ Ngô Thị Mỹ Lợi – Trưởng Phòng Y tế TP.Sa Đéc cho biết: Trong quá trình kiểm tra, đối với các cơ sở cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần, chúng tôi mạnh dạn đề xuất hình thức xử lý vi phạm. Có thể áp dụng các biện pháp cho cơ sở ngưng hoạt động nếu có vi phạm, tuyệt đối không để các thực phẩm không an toàn còn lưu thông.

Sử dụng thực phẩm là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mỗi người, để mang lại nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho cộng đồng đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức từ đơn vị sản xuất, nhà phân phối phải nâng cao trách nhiệm lựa chọn những nguyên liệu chất lượng, sản phẩm tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng; đồng thời mạnh dạn tẩy chay những thực phẩm bẩn, kém chất lượng để chung tay bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Trúc Nguyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn