Tổ hợp tác của các tổ chức đoàn thể phát huy hiệu quả

Cập nhật ngày: 08/12/2014 13:35:11

Thời gian qua, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, đoàn viên, hội viên (ĐV,HV) sản xuất kinh doanh giỏi; kinh nghiệm phát triển các loại hình kinh tế hợp tác; phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin cho các mô hình kinh tế tập thể cho đội ngũ cán bộ đoàn hội và hội viên, nhất là kinh nghiệm quản lý, điều hành hoạt động nhằm trang bị cho cán bộ, hội viên có kỹ năng tham gia liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.


Tổ hợp tác đan bội tre ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương

Tổ hợp tác (THT) may túi xách do ông Lâm Văn Được (SN 1965), ngụ khóm Bình Thạnh 2, thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò) làm tổ trưởng làm ăn có hiệu quả, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn thị trấn. Ông Lâm Văn Được cho biết, trước đây gia đình sống chủ yếu bằng nghề mua bán chiếu ở một số chợ nhỏ lân cận thị trấn Lấp Vò, nguồn thu nhập rất bấp bênh. Qua tìm tòi của gia đình và sự hỗ trợ của Chi Hội Cựu chiến binh khóm Bình Thạnh 2 thông qua xét cho vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền 20 triệu đồng, từ đó, gia đình đầu tư mua máy may, vải da, phụ liệu ở TP.HCM mang về may túi xách. Lúc đầu, số lượng sản phẩm (túi xách) ít nên chủ yếu bán lẻ nhưng đầu ra ổn định và có lợi nhuận khá. Vì thế gia đình quyết định mở rộng quy mô: mua thêm máy, thuê thêm thợ để có số lượng nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Từ đó, THT may túi xách của ông Lâm Văn Được - Hội viên Chi Hội Cựu chiến binh khóm Bình Thạnh 2 được thành lập. Hiện THT may túi xách đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 15 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Riêng gia đình ông Được thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm sau khi trừ tất cả các chi phí.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, tính đến nay toàn tỉnh có 1.155 THT của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, thu hút gần 29.000 tổ viên tham gia với tổng số vốn trên 78 tỷ đồng. Các THT thành lập xuất phát từ nhu cầu phát triển thực tế của đoàn viên, hội viên. Đáng chú ý là các THT trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có chiều hướng tăng nhanh với tổng số gần 350 tổ. Nhìn chung, các THT lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp hoạt động theo hình thức lao động tập trung, kết hợp đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn, hàng hóa làm ra bảo đảm chất lượng và tạo được uy tín trên thị trường, tiêu thụ ổn định. Nhiều THT hoạt động gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: Tổ gia công may mặc theo hợp đồng với mức thu nhập bình quân từ 1,7 - 2,5 triệu đồng/người/tháng; gia công các sản phẩm từ nguyên liệu lục bình mức thu nhập từ 1,2 - 1,7 triệu đồng/người/tháng; đan bội tre mức thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/người/lao động...

Mô hình THT tiếp tục có sự phát triển, hoạt động đa dạng ở các ngành nghề, lĩnh vực. Không ít THT biết phát huy nội lực, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, thu hút và tạo việc làm cho lao động nông nhàn, có thay đổi cách thức sản xuất bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Thông qua THT phát huy được tinh thần tương thân, tương trợ giúp nhau giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời là cầu nối trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước giữa các đoàn thể với người dân.

Dũng Chinh

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn