Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hai:
Vết thương lòng vẫn còn nặng mang
Cập nhật ngày: 08/08/2014 04:56:29
Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Hai (SN 1925) ở ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò có chồng và 1 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mẹ gặp, đem lòng yêu thương rồi nên nghĩa vợ chồng với ông Trần Văn Ngàn (SN 1925) và 8 người con. Năm 1964, ông Ngàn làm cơ sở cách mạng, “Ông bị địch theo dõi và ném lựu đạn ám sát ngay tại nhà, khiến ông hy sinh, 1 người con chết và 2 người con bị thương năm 1969” - Mẹ Hai kể.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hai
Cùng một lúc Mẹ mất 2 người thân, đau đớn tột cùng nhưng Mẹ cố gắng vượt qua. Chồng hy sinh, Mẹ quyết định không đi bước nữa mà ở vậy lo làm lụng nuôi con. Nén đau thương, Mẹ tần tảo lao động, sản xuất, nuôi dạy các người con còn lại nên người. Những việc nặng nhọc của nghề nông đều do một mình Mẹ làm. “Có chồng khác, Mẹ sợ các con sẽ khổ nên quyết định không đi bước nữa. Một mình nuôi các con đang tuổi ăn, tuổi học rất cực, nhất là những khi con bị bệnh. Mẹ làm quần quật cả ngày để có thể lo cho con” - Mẹ Hai tâm sự.
Nhắc chuyện quá khứ, ký ức đau buồn nhưng vẻ vang lại ùa về trong Mẹ. Hình ảnh những ngày con nhập ngũ vẫn thấp thoáng đâu đây. Có lúc Mẹ nhớ, có lúc lại quên. Năm 1966, con trai thứ ba, Trần Văn Muôn (SN 1950) đã tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Lúc đó, anh mới 16 tuổi. Thương con còn nhỏ tuổi, nhưng mẹ hiểu rằng: chí trai đã quyết, Mẹ cũng không cản bước con. Lúc đó, anh và cha là lao động chính trong nhà. Anh không khỏi băn khoăn khi quyết định ra đi. Mẹ Hai đã động viên con trai yên tâm, vững bước lên đường diệt thù, góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhiều năm liền kể từ ngày anh Muôn ra đi, Mẹ không có tin tức gì về anh. Nỗi đau cũ chưa nguôi ngoai thì năm 1972 hung tin lại đến với Mẹ khi có người cho hay anh Muôn đã hy sinh. Mẹ như “chết đứng” vì quá đau khổ nhưng không dám lộ ra mặt vì sợ địch chú ý. Chưa tìm thấy xác anh nên Mẹ cứ nghĩ con còn sống, bị giam cầm ở một nhà tù nào đó. Suốt mấy năm ròng, Mẹ đi tìm con ở nhiều nhà tù nhưng không gặp. Đến sau ngày giải phóng, nhờ Má Sáu (nuôi chứa cán bộ cách mạng) ở huyện Châu Thành mà mẹ mới biết: Anh Muôn cũng hy sinh năm 1969 (ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành) trong một lần tải đạn qua sông. Địch giết anh rồi mổ bụng. Chính Má Sáu đã chôn cất anh ngay gốc một cây gáo để làm dấu sau này. Tìm được xác con, Mẹ được an ủi phần nào.
Với đức tính anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang và lòng yêu nước nồng nàn, Mẹ không ngại nhọc nhằn, ngày đêm âm thầm đóng góp công sức cho cách mạng, kể cả hy sinh những người thân yêu nhất với mong muốn góp phần sớm giải phóng đất nước. Mấy chục năm đã qua nhưng nỗi đau đó vẫn còn âm ỉ trong lòng Mẹ. Một mình Mẹ vất vả nuôi các con trưởng thành. Hiện, Mẹ còn 5 người con. Trong đó có 3 người con trai (2 người làm ruộng, 1 người đang công tác tại Công an tỉnh); 2 người con gái (1 là giáo viên hưu trí, 1 buôn bán ở TP.Hồ Chí Minh). Mẹ đang sống với con gái thứ tư, Trần Thị Dung.
Mẹ Nguyễn Thị Hai vừa được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH. Đây là niềm vui, niềm tự hào lớn đối với Mẹ. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những công lao, đóng góp của Mẹ trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc.
Hòa Hiệp