Đồng Tháp

Nâng cao chất lượng chính quyền phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 28/01/2020 06:01:42

ĐTO - Trong những tháng đầu năm 2019, chính quyền và người dân Đồng Tháp đón tin vui Đồng Tháp đạt vị trí Á quân trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đạt hạng 3 về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Inder) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018. Không chỉ năm 2019, nhiều năm qua, Đồng Tháp liên tục đứng top đầu cả nước trong các bảng xếp trên. Để đạt được những kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng của chính quyền các cấp trong tỉnh.


Mô hình “4 tại chỗ trong 1 ngày làm việc”, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, quán triệt phương châm xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chỉ đạo thủ trưởng các ngành, các cấp triển khai các giải pháp để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phong cách làm việc phù hợp với mô hình chính quyền thân thiện, kiến tạo, phục vụ...

Từ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, công tác cải cách hành chính của Đồng Tháp đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhiều mô hình mới thực hiện cải cách hành chính đem lại lợi ích thiết thực cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) được nhân dân ủng hộ, doanh nghiệp đồng tình. Nổi bật là việc thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh qua hệ thống Bưu điện. Qua thời gian thực hiện giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Đề án, đến ngày 1/8/2019, tỉnh đã triển khai thực hiện giai đoạn 3 của Đề án. Đề án đã được triển khai thực hiện tại 8 sở, 11/12 huyện, thị xã, thành phố và 29 xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Những ưu điểm nổi bật của mô hình này là tiết giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất và chi thường xuyên; giảm tải khối lượng công việc tại Bộ phận Một cửa và đơn vị chuyên môn; ý thức, thái độ phục vụ của công chức, viên chức đối với công dân, tổ chức tốt hơn; các tổ chức, công dân tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức khi thực hiện TTHC... Theo đánh giá của nhiều người dân ở các địa phương, mô hình này tạo được sự thoải mái cho người dân khi cần thực hiện các TTHC, nhân viên Bưu điện hướng dẫn tận tình chu đáo, tinh thần và thái độ phục vụ rất tốt, người dân rất đồng tình, ủng hộ.


Mô hình “Công dân không viết” tạo sự thuận lợi cho người dân

Đặc biệt, từ ngày 1/8/2019, Đồng Tháp đã triển khai mô hình “4 tại chỗ trong 1 ngày làm việc” để thực hiện việc giải quyết 23 TTHC về thành lập và hoạt động doanh nghiệp tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công. Mô hình này thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả các TTHC thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp. Qua đó góp phần rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Mô hình “Hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân” đã được triển khai thực hiện tại 12/12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đối với các TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông đối với một số lĩnh vực; mở rộng danh mục TTHC thực hiện theo mô hình “Hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân” ở cấp tỉnh và cấp huyện. Kết quả thực hiện mô hình này đã tạo thuận lợi, tiết kiệm công sức, chi phí, mang lại sự hài lòng cho người dân và giúp các cơ quan nhà nước tăng tính phục vụ.


Người dân có thể đăng ký làm thủ tục hành chính qua Zalo

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với cá nhân, tổ chức, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình mới. Điển hình như mô hình “Công dân không viết” của huyện Lấp Vò đã ứng dụng phần mềm điện tử để phục vụ công dân dễ dàng trong thực hiện TTHC, người dân không cần viết các mẫu đơn, tờ khai mà chỉ cung cấp thông tin, dữ liệu cá nhân và các giấy tờ liên quan cho công chức tiếp nhận để được giải quyết. Một mô hình mới khác của huyện Lấp Vò là mô hình “Tiếp nhận và giải quyết TTHC qua Zalo” được thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả của UBND xã Bình Thành, thị trấn Lấp Vò. Người dân không cần đến UBND cấp xã để làm thủ tục, mà chỉ cần gửi các thông tin giấy tờ tùy thân liên quan đến thủ tục cần làm qua tài khoản Zalo để được giải quyết và tới hẹn đến UBND cấp xã nhận kết quả.

Và còn nhiều mô hình khác như: mô hình giải quyết TTHC lưu động của huyện Hồng Ngự; mô hình “Sinh viên đồng hành cùng tổ chức, cá nhân” thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn huyện Lai Vung; Phần mềm tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân của TP.Sa Đéc... Hiệu quả từ các mô hình là mang lại sự tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Một năm mới đang đến, một chặng đường mới bắt đầu với những phấn đấu mới để công tác cải cách hành chính của tỉnh ta tiếp tục đạt những kết quả tốt đẹp, góp phần đem đến sự phát triển sung túc cho quê hương Đồng Tháp Sen hồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và các Kế hoạch CCHC của tỉnh giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2016-2020. Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về cải cách hành chính đã đề ra. Trong đó, nổi bật là việc đưa vào vận hành Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Tháp; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh qua hệ thống Bưu điện và mở rộng các thủ tục thực hiện theo mô hình “Hẹn giờ thực hiện thủ tục hành chính tại nhà người dân”; đẩy mạnh triển khai các thủ tục hành chính liên thông, các thủ tục hành chính lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp theo mô hình “4 tại chỗ trong 1 ngày làm việc”; công bố và triển khai các giải pháp cải thiện Bộ chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI); đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trong xây dựng chính quyền điện tử.

UBND tỉnh kỳ vọng công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 tiếp tục khởi sắc và gặt hái được những thành tựu khả quan, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ số PCI, PAR, PAPI... của tỉnh.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn