Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số
Cập nhật ngày: 12/02/2020 15:23:42
Ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Tham dự tại điểm cầu Đồng Tháp có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019, công cuộc xây dựng CPĐT có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi (từ 4,5% lên hơn 10%); 100% bộ, ngành và địa phương đã kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; 86,5% văn bản điện tử đã trao đổi qua mạng; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh tăng 9 lần; liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh tại cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế tại cấp huyện; khai trương bản đồ Vmap và Cổng dịch vụ công quốc gia… Tuy nhiên, trong triển khai các nhiệm vụ CPĐT vẫn còn một số tồn tại như chưa xây dựng được một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng về dân cư và đất đai; hơn 70% bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, thanh toán điện tử cho dịch vụ công…
Việc triển khai xây dựng CPĐT gắn kết với cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính cũng đạt được một số kết quả tích cực. Hiện cả nước có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt gần 96%. Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành được rà soát, cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa là hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Tại Đồng Tháp, tình hình xây dựng chính quyền điện tử được triển khai khá tốt. 100% cơ quan nhà nước kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng internet, tất cả cán bộ, công chức các cấp đều được trang bị máy tính để tác nghiệp và trao đổi thông tin trên môi trường mạng; đã hoàn thành việc thiết lập trục liên thông nội bộ (LGSP) của tỉnh, làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong và ngoài tỉnh. Hệ thống phần mềm 1 cửa và dịch vụ công trực tuyến đã triển khai đến cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Từ đầu năm 2020, tỉnh chính thức vận hành tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 để tiếp nhận, giải đáp tất cả các thông tin, ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, trước những kết quả đáng khích lệ trên, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng CPĐT. Đồng thời nhấn mạnh, xây dựng CPĐT hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương năm 2020 tập trung vào những nhiệm vụ ưu tiên như đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển CPĐT; hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng; thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ…
BÍCH LIỄU