Tín hiệu vui từ ngành may mặc
Cập nhật ngày: 13/08/2014 05:02:18
Trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ngành may mặc xuất khẩu tỉnh nhà có những đột phá và tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo của Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của ngành may mặc ước đạt 7,19 triệu USD, tăng 19,63% so với cùng kỳ.
Nhiều triển vọng cho ngành may mặc xuất khẩu
Để giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, thời gian qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tiết kiệm chi phí, nắm bắt thị trường, đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới và cải tiến kỹ thuật... nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng không ngừng củng cố, giữ vững các thị trường truyền thống, thâm nhập các thị trường tiềm năng để đẩy mạnh sản xuất cũng như xuất khẩu. Ông Lê Văn Của - Giám đốc Công ty may mặc Khang Thịnh, TX.Hồng Ngự chia sẻ: “Các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Châu Mỹ, Nga... Hiện công ty đã có đơn hàng đến cuối năm. Bên cạnh hoàn thành tốt các đơn hàng hiện tại thì công ty cũng đang nỗ lực tìm kiếm và tiếp cận với các thị trường tiềm năng khác, nhằm tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm”.
Do tỉnh ta có điều kiện thuận lợi về mặt bằng và lao động nên những năm qua nhiều doanh nghiệp đến đầu tư ngành may mặc, da giày để đón đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được thực thi... Đây cũng là một trong những lợi thế để ngành may mặc tỉnh nhà giữ mức tăng trưởng ổn định.
Ước tính 7 tháng đầu năm 2014, Công ty CP Sao Mai đã xuất khẩu trên 9,5 triệu sản phẩm, bao gồm: áo Jacket, áo sơ mi, áo Đạo Hồi, khăn choàng... doanh thu ước đạt trên 2,4 triệu USD, bằng 48% kế hoạch. Ông Trần Văn Hiếu, Phó trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty CP Sao Mai cho biết, năm 2014, công ty vẫn giữ vững được các đơn hàng thị trường truyền thống như: Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Thời gian qua, công ty tiếp tục củng cố máy móc thiết bị, lao động để sản xuất các mặt hàng chiến lược; nghiên cứu thị trường, mở rộng khách hàng mới. Hiện tại, công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý III năm 2014. Trong 6 tháng cuối năm, công ty sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện các đơn hàng của các đối tác tuyền thống để hoàn thành mục tiêu tăng 5 - 10% doanh thu so với năm 2013.
Ngoài hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là thủy sản và gạo thì những năm gần đây, ngành may mặc trở thành một trong những ngành công nghiệp triển vọng của tỉnh nhà. Hằng năm, ngành may mặc ước tính mang lại khoảng 2,42% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Huỳnh Văn Hoàng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Sở Công Thương tỉnh thì mặc dù ngành dệt may duy trì được sự tăng trưởng khá tốt, nhưng trong điều kiện hiện nay, ngành cũng còn gặp các khó khăn, tồn tại như: quy mô doanh nghiệp hạn chế, xuất phát điểm của ngành dệt may trong địa bàn tỉnh thấp, kỹ thuật quản lý cũng như sản xuất còn yếu, phần lớn sản xuất theo hợp đồng gia công; nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chủ yếu là nhập khẩu, do đó, nguồn hàng khó ổn định, chất lượng, giá cả sản phẩm làm ra phải lệ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu...
Để tạo điều kiện cho ngành dệt may phát triển, trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, tỉnh thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh như: tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng; hỗ trợ kết nối hạ tầng giao thông; hỗ trợ đào tạo lao động, bồi dưỡng năng lực quản lý; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi về tài chính theo quy định...
Mỹ Lý