Nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 các ngành đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015 từ ngày 1/8

Cập nhật ngày: 29/07/2015 13:29:17

Theo kế hoạch, ngày 28/7/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy năm 2015. Những thí sinh (TS) có điểm thi các môn theo tổ hợp xét tuyển của kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia 2015 dưới ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định sẽ không được đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo phương thức tuyển sinh dựa vào điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia. Dựa trên tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ sẽ xây dựng phương án xét tuyển; đồng thời, công bố mức điểm tối thiểu mà TS cần đạt ở từng tổ hợp môn của từng ngành cụ thể. TS đối chiếu với kết quả thi của mình để đăng ký xét tuyển. Các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nguyện vọng 1 (NV1) của TS từ ngày 1/8 - 20/8/2015.


Thí sinh cần điền thông tin trên phiếu đăng ký xét tuyển một cách chính xác

Các hội đồng thi THPT Quốc gia do trường ĐH chủ trì đã khẩn trương in và gửi giấy chứng nhận kết quả (CNKQ) thi THPT Quốc gia cho TS trước ngày 30/7/2015. TS sẽ được nhận 4 giấy CNKQ thi bản gốc, trong đó chỉ có 1 giấy dùng để đăng ký NV1. Hồ sơ ĐKXT gồm có: phiếu ĐKXT có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép TS đăng ký tối đa 4 nhóm ngành/ngành của một trường cho mỗi đợt xét tuyển, các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 - 4; bản gốc giấy CNKQ thi tương ứng với đợt xét tuyển (NV1 hay các nguyện vọng bổ sung cụ thể); 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của TS; bản sao các giấy tờ chứng nhận ưu tiên (nếu có). Riêng đối với NV1, TS chỉ được nộp hồ sơ ĐKXT vào một trường và với một phiếu ĐKXT ghi tối đa 4 nhóm ngành/ngành theo thứ tự ưu tiên từ 1 - 4. TS nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT cho các trường ĐH, CĐ qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.

Trong khoảng thời gian 20 ngày xét tuyển (từ ngày 1 – 20/8), nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, TS có thể rút hồ sơ từ trường đã nộp để nộp sang trường khác để tìm kiếm cơ hội trúng tuyển cao hơn. Tuy nhiên, TS cũng cần lưu ý là khi đã trúng tuyển vào một ngành của một trường, thì không còn được tham gia xét tuyển những đợt tiếp theo, vì những TS đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không còn trong danh sách tham gia xét tuyển đợt tiếp theo. Cho nên, TS cần cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn trường, ngành đăng ký phù hợp nhất, đặc biệt là trong đợt xét tuyển đầu tiên để có cơ hội đỗ ĐH, CĐ chắc chắn hơn. Chậm nhất 5 ngày sau khi hết thời hạn ĐKXT của mỗi đợt, các trường ĐH, CĐ sẽ công bố kết quả xét tuyển.

Nếu không trúng tuyển đợt 1, trong các đợt xét tuyển bổ sung sau, TS được phép nộp cùng lúc 3 giấy CNKQ thi bản gốc với phiếu ĐKXT vào các trường có nguyện vọng theo học. Mỗi phiếu ĐKXT có 4 nguyện vọng đăng ký tương ứng với 4 nhóm ngành/ngành của các trường phù hợp với tổ hợp các môn thi tương ứng, đồng thời phải còn chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, ở các đợt xét tuyển bổ sung này, nếu đã nộp hồ sơ, TS không được rút ra để nộp lại trong thời gian xét tuyển như NV1.

Theo quy định, những TS đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT ở các cụm thi địa phương sẽ không thể ĐKXT ĐH, CĐ vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên, nếu đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, những TS này vẫn có thể đăng ký vào các trường có đề án tuyển sinh riêng cho phép sử dụng kết quả học tập ở lớp 12 THPT để xét tuyển ĐH, CĐ. Hiện nay, cả nước có hơn 160 trường ĐH, CĐ áp dụng đồng thời phương thức tuyển sinh này, trong số đó có Trường Đại học Đồng Tháp tuyển sinh với 7 ngành: Giáo dục Tiểu học, Việt Nam học (Văn hóa – Du lịch), Ngôn ngữ Trung Quốc, Khoa học Thư viện, Quản lý văn hóa, Nuôi trồng thủy sản, Công tác xã hội; thời gian nhận hồ sơ ĐKXT đến hết ngày 20/8/2015. Những TS tự do đã tốt nghiệp THPT các năm trước, nếu muốn ĐKXT vào ĐH, CĐ, thì cũng phải thực hiện các bước và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định chung.

TS của tỉnh Đồng Tháp cũng cần quan tâm đến quy định về chính sách ưu tiên dành cho TS ở các vùng đặc thù. Đó là, các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những TS có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc các khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.

Nguyễn Văn Nghiêm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn