Kiềm chế tai nạn giao thông: Phải chấn chỉnh toàn diện

Cập nhật ngày: 14/06/2013 09:44:15

Kiềm chế tai nạn giao thông: Phải chấn chỉnh toàn diện

Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra liên tục trong những ngày đầu tháng 6 đã khiến người dân cả nước bàng hoàng.

"Phải khẩn trương rà soát các giải pháp kiềm chế TNGT đang thực hiện xem đã trúng, hiệu quả và quyết liệt chưa? Kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động các trung tâm sát hạch lái xe, đơn vị đăng kiểm phương tiện và đình chỉ ngay cơ sở không đủ điều kiện, xác định rõ trách nhiệm để xử lý cương quyết…" - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh tại buổi họp khẩn mới đây bàn giải pháp hạn chế TNGT.


Do mặt đường hẹp nên các phương tiện có tải trọng lớn gây khó khăn cho các phương tiện khác cùng tham gia giao thông trên tuyến đường tỉnh lộ 846 đoạn từ thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đến giáp ranh địa phận tỉnh Tiền Giang

Lỗi không chỉ từ người lái

Theo kết quả điều tra về 3 vụ TNGT kinh hoàng diễn ra từ ngày 7 đến 9-6 vừa qua tại các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam, nguyên nhân hoàn toàn từ lái xe. Với vụ TNGT xảy ra đối với xe tải 72L-2354 tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào chiều 9-6, tài xế xe này và một xe tải khác chạy cùng chiều đã có hành vi "đua xe" trên đường. Khi thấy xe máy chạy ngược chiều, tài xế này đánh tay lái, phanh gấp làm xe quay ngược lại, lao vào hai xe máy khiến 6 người chết. Vụ TNGT ngày 9-6 khiến xe khách Mai Linh bị lật tại tỉnh Quảng Nam làm 3 người chết, 23 người bị thương, được xác định do tài xế chạy quá tốc độ (90km/giờ) cộng với thời gian cầm lái dài (xuất bến lúc 17h ngày 8-6, thời điểm gặp nạn 7h15 ngày 9-6), có thể lái xe buồn ngủ, lạc tay lái dẫn đến xe bị lật nhiều vòng trước khi dừng hẳn. Trước đó, vụ xe khách 43S-6420 đâm vào vách núi trên đèo Khánh Lê (Khánh Hòa) ngày 7-6, qua điều tra cho thấy, xe mới xuất phát được 22km, đoạn đường này cho phép chạy 30km/giờ nhưng lái xe đã rà phanh liên tục dẫn đến cháy má phanh. Đến khi má phanh không có tác dụng, cũng không thể dùng số để phanh, không sử dụng phanh tay nên mới đâm vào vách đá. Thiết bị giám sát hành trình của xe không hoạt động, ngày xảy ra tai nạn cũng là thời hạn xe đến kỳ đăng kiểm. Theo hồ sơ lưu tại Trung tâm Đăng kiểm Đà Nẵng, lần đăng kiểm trước xe này đã phải kiểm định đến lần thứ hai mới đạt yêu cầu, vì lỗi "dây kéo phanh tay bị chùng".

Có thể thấy, nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng vẫn thuộc về người lái. Nhưng, đằng sau đó không thể không đề cập đến trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải và các đơn vị đăng kiểm, cơ sở đào tạo lái xe. TS Khuất Việt Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây nên các vụ TNGT thảm khốc là do xe chạy tốc độ quá cao. Vấn đề này xuất phát từ áp lực kinh tế. Đa số DN vận tải khoán trắng cho lái xe. Lái xe vừa phải kinh doanh kiếm tiền, lại vừa phải chịu mọi áp lực trong quá trình tham gia giao thông nên phải phóng nhanh để "vợt" khách, về bến sớm. Cũng vì áp lực kinh tế nên lái xe phải chạy xe quá thời gian quy định (không được chạy xe liên tục quá 4 tiếng và một ngày không được chạy quá 10 tiếng). Trong các vụ TNGT nói trên, lái xe đều lái quá thời gian nên thiếu tỉnh táo khi xử lý tình huống.

Rà soát lại từng giải pháp

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đánh giá, các biện pháp tăng cường ATGT đã có, song các địa phương triển khai không đồng đều. Qua kiểm tra, 16 Sở GTVT thiếu cán bộ có chuyên môn quản lý ATGT. Các DN vận tải không có quy chế và thiếu kiểm tra phương tiện an toàn trước khi xuất hành, không quản lý người lái… Một số ý kiến cho rằng, các cơ sở đào tạo lái xe thành lập mới rất nhiều, riêng quý I-2013 đã có thêm 24 cơ sở nhưng nhiều cơ sở không đủ trang thiết bị, số lượng học viên… Ngay cả các cơ sở cũ cũng sai phạm tràn lan. Đợt kiểm tra tại 5 tỉnh, thành phố phía Nam vừa qua đã phát hiện hàng loạt cơ sở thiếu xe tập lái, thiếu phòng học, sân tập… Trong tháng 6 và 7-2013, Ủy ban ATGT quốc gia đã có kế hoạch cao điểm đẩy mạnh kiểm soát tốc độ. Cụ thể là sẽ tích hợp dữ liệu trong thiết bị giám sát hành trình về Ủy ban ATGT quốc gia để theo dõi, báo cáo tình hình vi phạm tốc độ của các phương tiện thuộc diện phải lắp đặt và có công bố ngay hôm sau trên các phương tiện thông tin đại chúng về xe vi phạm cũng như các DN có nhiều xe vi phạm.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nêu vấn đề, cần khẩn trương rà soát các giải pháp kiềm chế TNGT đang thực hiện xem đã trúng, hiệu quả và quyết liệt chưa? Kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động các trung tâm sát hạch lái xe, đơn vị đăng kiểm và đình chỉ ngay cơ sở không đủ điều kiện, xác định rõ trách nhiệm để cương quyết xử lý. Bộ GTVT sẽ siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đoạn đường nào có thể lắp dải phân cách sẽ lắp đặt ngay. Ủy ban ATGT quốc gia sẽ tăng cường tuyên truyền về kế hoạch kiểm soát tốc độ và có sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng.

Theo HNMO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn