Năm 2014: Gửi tiết kiệm là “thượng sách"
Cập nhật ngày: 13/12/2013 10:10:04
Tiền nhàn rỗi hoặc cần một kênh đầu tư thì “gửi tiết kiệm” được nhiều chuyên gia khuyên làm trong thời điểm này.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến do báo Diễn đàn đầu tư tổ chức sáng 11/12, trả lời câu hỏi nên chọn phương thức đầu tư nào cho năm tới, hầu hết các diễn giả cho rằng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm vẫn là tối ưu.
Theo các chuyên gia, đồng tiền sinh lãi lớn nhất là đồng tiền gửi vào ngân hàng bởi dù sao, đồng tiền đó cũng để không, không phải làm gì mà vẫn được hưởng lãi. Hơn nữa, từ trước đến nay, đồng tiền nhàn rỗi thường được “gửi gắm” vào các kênh: gửi tiết kiệm, mua bất động sản hay đầu tư chứng khoán hoặc các kênh khác như vàng, ngoại tệ...
Tuy nhiên, theo TS. Quách Mạnh Hào, với tình hình hiện tại, kênh gửi tiết kiệm là tương đối an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản chưa nhìn rõ xu hướng tăng trưởng.
TS. Hào cho rằng cần cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro. “Nếu chúng ta cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro thì kênh tiết kiệm có thể vẫn là kênh lựa chọn của phần đông”. Tuy nhiên, sang năm 2014, khi mà các nỗ lực tăng trưởng kinh tế được thực thi và triển khai thì kênh chứng khoán và có thể được hưởng lợi về mặt tâm lý và tài sản các thị trường này có cơ hội tăng giá do tâm lý mặc dù nền kinh tế không thực sự tốt lên.
“Do vậy nếu bạn thực sự là người muốn tìm kiếm các cơ hội sinh lời tốt hơn thì hai kênh này là phù hợp nhưng tôi ưa thích kênh chứng khoán hơn vì kênh này có mức thanh khoản cao hơn”, ông Hào nói.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, nếu người dân có nhiều tiền thì nên để một phần ở ngân hàng, một phần đầu tư chứng khoán, vì nếu kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ tăng trước, đó là cơ hội để đầu tư chứng khoán, lãi suất cũng tăng, đó cũng là cơ hội để bảo toàn vốn. “Vấn đề là bạn phải biết cách để đầu tư chứng khoán có hiệu quả”, ông Nghĩa nói.
GS.TS Đặng Hùng Võ lại nhận định, thực tế thì nhiều lúc đầu tư vào bất động sản sẽ có lãi nhiều hơn gửi vào ngân hàng. Ví dụ như trước năm 2008, đầu tư vào bất động sản luôn luôn có lãi thậm chí có những lúc thu lãi tới 4 hoặc 5 lần. Trường hợp xấu nhất cũng ngang với gửi tiền vào ngân hàng.
Kể từ năm 2008 mới có chuyện lãi suất ngân hàng tăng vọt do Nhà nước áp dụng một số chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Lúc đó, doanh nghiệp, người dân mới ham gửi tiền vào ngân hàng. Đó cũng là thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu rơi vào trầm lắng do không có vốn.
Về lý thuyết đồng tiền sinh lãi lớn nhất là đồng tiền gửi vào ngân hàng bởi vì người ta cho rằng, đồng tiền đó để không, không phải làm gì mà vẫn được hưởng lãi. Đầu tư vào tất cả các lĩnh vực khác bao giờ cũng được lãi nhiều hơn gửi vào ngân hàng. Chỉ có điều cũng có thể gặp phải rủi ro do đầu tư bị thất bại. Gửi vào ngân hàng thường thì độ rủi ro ít hơn nhiều, nhất là tại những ngân hàng có uy tín lớn.
“Hiện nay đầu tư vào gì ngoài ngân hàng thì là câu hỏi rất khó. Mỗi người có hoàn cảnh riêng sẽ phải có những quyết định phù hợp với hoàn cảnh của mình”, ông Võ nói.
Theo Petrotimes